Ứng phó BĐKH ở Quảng Ninh: Đa dạng hình thức tuyên truyền
(TN&MT) - Một trong những mục tiêu phát triển giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030 mà Quảng Ninh đang tích cực triển khai là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Quảng Ninh là một trong các tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về BĐKH, môi trường sinh thái của địa phương cũng chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH và nước biển dâng, nhất là đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, tài nguyên đất và môi trường không khí.
Trong thời gian qua các cấp, ngành tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác ứng phó với BĐKH. Theo đó, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về môi trường trong tỉnh, cũng như tổ chức các hoạt động hưởng ứng theo các chủ đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo triển khai.
Trong đó, nội dung bảo vệ môi trường đã được tỉnh Quảng Ninh lồng ghép trong tài liệu giáo dục địa phương và được triển khai dạy tại các lớp 1, 2, 6 để giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó linh hoạt với BĐKH. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì biên tập, biên soạn Sách trắng về tăng trưởng xanh năm 2020 với chủ đề ứng phó với BĐKH thông qua tăng trưởng xanh. Sách trắng nhằm cung cấp thông tin đến bạn đọc những kiến thức ứng phó với BĐKH, giải pháp thực hiện tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Sau khi Sách trắng được xuất bản, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã lồng ghép làm tài liệu đưa vào chương trình học tập, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa nội dung ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt đảng, chuyên môn, đoàn thể nhằm phổ biến quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị. Trong đó, thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền các hoạt động về môi trường như: Các quy định pháp luật, công tác ứng phó với BĐKH; hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, giữ gìn vệ sinh môi trường; hưởng ứng tham dự Cuộc thi “Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH của các cơ quan chuyên môn, cũng như hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH, đã góp phần giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, lồng ghép yếu tố BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của địa phương, củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về ứng phó với BĐKH.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình thích ứng với BĐKH gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển như: Mô hình giảm tải ô nhiễm vịnh Hạ Long; Mô hình khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng ESCO; Mô hình du lịch sinh thái, thúc đẩy du lịch xanh vịnh Hạ Long.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai việc thay thế vật liệu sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Cụ thể, sau gần 3 năm triển khai chủ trương chuyển đổi phao xốp, đến nay, việc chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 6,85 triệu quả phao xốp được các hộ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển và nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH.
Trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, Quảng Ninh luôn khuyến khích, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Dự án công nghệ tế bào quang điện JinkoSolar PV Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Khoai, TX. Quảng Yên; nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, trên bờ, trong đó có khu vực đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực tại TP. Móng Cái.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Quảng Ninh đã và đang triển khai thực hiện việc nghiên cứu 25 nhiệm vụ khoa học trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Trong đó, triển khai các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như sử dụng năng lượng mặt trời cho một số thiết bị điện dân dụng tại 2 huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô; một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung; sản xuất cát nghiền nhân tạo, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải PTF áp dụng cho TP. Hạ Long, sử dụng hệ thống Bio-Toilet trên vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Như Hạnh cho biết thêm: Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH và ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên, môi trường của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuyên truyền về ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường, cũng như phát huy sự sáng tạo trong cách tiếp cận đối tượng, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn.