Ứng dụng cây trồng biến đổi gen: Khó đoán định tương lai

17/07/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều ý kiến cho rằng, cây trồng biến đổi gen (BĐG) là loại cây trồng tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam...

(TN&MT) - Nhiều ý kiến cho rằng, cây trồng biến đổi gen (BĐG) là loại cây trồng tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, nó có thể là đáp ứng những vấn đề mà nền nông nghiệp nước ta đang gặp phải như sâu bệnh, năng suất, chất lượng… Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới môi trường sinh thái, tới nguồn gen gốc vẫn gây nhiều tranh cãi....
   
Một ruộng ngô biến đổi gen được trồng thử nghiệm
   
Những lợi ích hiện hữu
   
  Cây trồng biến đổi gen được nhiều chuyên gia, nhà khoa học định nghĩa  là loại cây trồng phổ biến có các đặc tính tốt và được bổ sung thêm một hoặc vài gen mã hóa cho protein giúp cho cây trồng có được đặc tính mong muốn có thể cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Hay nói cách khác gọi cây trồng biến đổi gen nghĩa là người ta có thể chuyển vào tính trạng ưu việt của cây trồng mà người ta mong muốn. Về bản chất, cây trồng biến đổi gen được chuyển vào một hay một số gen có mục tiêu mong muốn là gen kháng sâu và gen kháng thuốc trừ cỏ, giúp nông dân kiểm soát sâu hay thuốc trừ cỏ triệt để hơn. Qua kỹ thuật canh tác kèm theo gen đó, năng suất cây trồng biến đổi gen được tăng cao.
   
  Lịch sử của loại cây trồng này đã được nghiên cứu trên thế giới từ nhiều thập kỷ trước. Bắt đầu từ năm 1996, cây trồng biến đổi gen đầu tiên đã được đưa ra trồng đại trà. Cho tới nay, sau 18 năm phát triển, cây trồng biến đổi gen đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Năm 2013 là năm thứ 18 cây trồng biến đổi gen được trồng trên quy mô lớn và diện tích trên 175 triệu ha, tăng gấp 100 lần so với năm 1996. Trong tổng số 28 quốc gia trồng cây biến đổi gen thì 52% diện tích là ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Paraguay, Pakistan, Myanmar... với tốc độ tăng trưởng diện tích hàng năm khoảng 11%.
   
  Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đầu tư nghiên cứu và khảo nghiệm từ năm 2006 sau khi “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg. Vào năm 2011, việc đưa ngô biến đổi gen vào sản xuất thương mại tại Việt Nam được dự kiến triển khai vào năm 2012 sau hai đợt khảo nghiệm trên diện rộng. Đến 2013, Bộ NN&PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép an toàn sinh học.
   
  Qua nhiều lần nghiên cứu và trồng thử nghiệm, các nhà khoa học như PGS.TS Nông Văn Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gen và  ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đều đưa ra nhận định:  Cây trồng BĐG có khả năng kháng sâu bệnh cao làm giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh; kháng thuốc trừ cỏ làm tăng hiệu quả và giảm công lao động bằng tay; chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn, mặn, ngập úng, lạnh, nóng... kéo dài thời gian bảo quản; tạo ra thực phẩm có giá trị y học như các vắc xin ăn được trong cây trồng. Đến nay, nhiều loại cây trồng BĐG đã được trồng trên diện rộng như: Đậu tương chống chịu thuốc diệt cỏ, có hàm lượng axit oleic cao; ngô chống chịu thuốc diệt cỏ, kháng sâu đục thân; khoai tây kháng virus, kháng sâu, giàu tinh bột; lúa chứa B - caroten (gạo vàng) chống suy dinh dưỡng cho trẻ em...
   
Tiềm ẩn nhiều mối họa
   
  Không thể phủ nhận những thành tựu mà cây trồng BĐG mang lại nhưng theo các nhà khoa học dự báo loại cây trồng này cũng tiềm ẩn nhiều mối họa khôn lường. Điều này lý giải vì sao việc ứng dụng cây trồng BĐG hiện vẫn còn nhiều tranh cãi bởi đây là vấn đề lớn của hàng triệu nông dân và người tiêu dùng Việt Nam. Những mối quan tâm về công nghệ BĐG tập trung vào các vấn đề môi trường, sức khỏe và kinh tế. Người ta lo ngại rằng công nghệ BĐG có thể làm tổn hại đến những sinh vật không sử dụng công nghệ BĐG, làm giảm tác dụng của các thuốc trừ dịch hại, có thể lai chéo với các giống, loài không có mục đích BĐG… làm mai một các giống loài truyền thống, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, môi trường sống của sinh vật trên trái đất, kể cả con người.
   
  Thực phẩm BĐG có thể gây dị ứng và nhiều hệ lụy khác. Hiện nay, tuy chưa có bằng chứng về những tác hại của thực phẩm BĐG đối với sức khỏe con người nhưng cũng chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm BĐG không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là về lâu dài.
   
  Về mặt kinh tế, từ lúc nghiên cứu đến khi đưa được sản phẩm BĐG ra thị trường mất nhiều tiền và thời gian nên các công ty giống cây trồng đòi hỏi phải bảo hộ phát minh của họ, làm cho giá giống cây trồng tăng lên, gây khó khăn cho nông dân các nước nghèo và đang phát triển. Việc áp dụng đại trà các giống cây trồng BĐG sẽ thu hẹp và làm mất dần nguồn gen bản địa, tăng tính lệ thuộc của người nông dân vào các công ty sản xuất giống này. Nhiều người còn nghi ngại rằng gen lạ đưa vào cây trồng có thể sản sinh ra pro tein lạ gây dị ứng và có thể gây tác hại lâu dài đến sức khỏe, thậm chí kể cả duy trì nòi giống của người tiêu dùng.
   
  Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khuyến cáo rằng, công nghệ BĐG có nhiều ưu điểm cần khai thác, một kỹ thuật hứa hẹn cho tương lai không nên bỏ qua. Nhưng việc nghiên cứu triển khai công nghệ này cần phải thận trọng và có lộ trình thích hợp. Bên cạnh đó, hiện tại Việt Nam vẫn còn thiếu hành lang pháp lý về vấn đề này. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT; Bộ NN &PTNT và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ để đưa ra quy trình cho việc cấp phép cho doanh nghiệp về lĩnh vực cây trồng biến đổi gen.
   
Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng cây trồng biến đổi gen: Khó đoán định tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO