Tuần Giáo – Điện Biên: Bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp

Hoàng Châu| 01/01/2023 10:50

(TN&MT) - Là huyện cửa ngõ của tỉnh, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Tuần Giáo đã phát huy thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian qua, đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điển hình là trồng và phát triển gần 500 ha cây cà phê, gần 1.300 ha cây cao su; hơn 1.500 ha cây mắc ca, trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Cùng với đó, công nghiệp, dịch vụ phát triển, nhiều điểm du lịch đã hình thành tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết: UBND huyện đã tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp. Với lợi thế về đất đai, khí hậu và lực lượng lao động dồi dào huyện Tuần Giáo đã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, quy hoạch đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm ngô, đậu tương tại các xã Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông và Pú Nhung; vùng thâm canh cây lúa nước tại Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Sinh, Chiềng Đông, Mường Thín và vùng phát triển chăn nuôi đàn gia súc…Cùng với đó, để hỗ trợ cho người dân, Huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, lựa chọn mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng bưởi da xanh, mô hình khoai tây vụ đông....

trong-mac-ca-huyen-tuan-giao.jpeg

Đồi trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Đến nay, tổng sản lượng lương thực ước đạt gần 38.000 tấn; tổng đàn gia súc ước đạt hơn 89.000 con, đàn gia cầm ước đạt 955.000 con. Huyện đã xây dựng 9 xã đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên, trong đó 5 xã cơ bản đạt chuẩn nông thông mới. 2 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận 3 sao. Đến nay 100% trung tâm các xã có điện lưới quốc gia, 95,2% số hộ dân được sử dụng điện lưới, 95% dân số được phủ sóng phát thanh, được xem truyền hình. Nhiều công trình giao thông hạ tầng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực. Toàn huyện có gần 1.300ha cây cao su (sản lượng mủ khô đạt 1.187 tấn); trên 470ha cà phê (sản lượng cà phê nhân đạt 500 tấn); trên 1.500ha cây mắc ca. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư khảo sát, triển khai nhiều dự án đầu tư theo quy định.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư vào các lĩnh vực của huyện, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Công ty CP Macadamia đã trồng được 1.400ha cây mắc ca với tổng vốn đầu tư 485 tỷ đồng; Công ty CP rau hoa quả Trung ương phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả với tổng diện tích 374,6ha; Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông với tổng vốn trên 10 tỷ đồng... Thời gian tới, Huyện ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án trồng cây ăn quả và các loại cây kinh tế cao (sa nhân, thảo quả, sơn tra…) kết hợp với trồng rừng; các dự án nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đại gia súc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuần Giáo – Điện Biên: Bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO