Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng với Câu Lạc Bộ “Zero Waste” - “Trường Học Không Rác Thải Nhựa”

21/03/2019 13:18

(TN&MT) - Đã thành thông lệ, sau mỗi buổi học, 20 học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ lại thay nhau di chuyển gần 30 bọc nylông chứa đầy các chất thải sinh hoạt của các bạn học sinh toàn trường về nơi tập kết để tiến hành phân loại các chất thải. Sau đúng nửa giờ đồng hồ các bạn học sinh nhà trường đã hoàn thành việc phân loại rác thải từ rác thải hữu cơ dễ phân hủy cho đến chất thải nhựa không thể tái chế, chất thải nhựa tái chế rồi bỏ vào bọc.

Em Nguyễn Bá Vinh – Học sinh lớp 11C, trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ bày tỏ: Qua những biện pháp mà đã làm, chúng em mong muốn các bạn học sinh trong trường hình thành được thói quen giảm sử dụng rác thải nhựa và biết phân loại chúng, góp phần làm cho môi trường học đường trở nên xanh, sạch, đẹp.

Từ mục tiêu này, đồng thời thực hiện tốt chủ trương của TP đối với việc phân loại rác tại nguồn, qua đó xây dựng “Trường học không rác thải nhựa”, tháng 8/2018, CLB Zero Waste - “Trường học không rác thải nhựa”, Đoàn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu, CLB chỉ có 10 thành viên là các bạn học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, do cô Mai Ánh Tuyết, Ủy viên ban thường vụ Đoàn trường, giáo viên tổ sinh học là chủ nhiệm.

ủ rác
Rác hữu cơ được ứng dụng từ những kiến thức đã học để ủ phân chăm sóc vườn cây cảnh tại trường

CLB Zero waste  được tạm hiểu là một cuộc sống không tạo ra hoặc tạo ra rất ít rác thải - một trong những lối sống để bảo vệ môi trường xanh. Với phương châm này, CLB đã tập trung hướng dẫn học sinh thói quen sống xanh, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm, từ đó tác động nhận thức để thay đổi hành động của học sinh trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Cô Mai Ánh Tuyết – Chủ nhiệm CLB Zero Waste chia sẻ: Trong quá trình hoạt động, CLB cũng gặp khó khăn khi các em học sinh đã có thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, cho nên khi mà các em sử dụng những sản phẩm thay thế thường có tâm lý e ngại khác với mọi người xung quanh.

Khó khăn là vậy, nhưng với mong muốn xây dựng thói quen sống xanh cho các bạn học sinh trong trường, xây dựng trường học sáng, xanh, sạch đẹp, điểm đầu tiên CLB hướng đến là xây dựng quy trình xử lý và phân loại rác để trả lại cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cho trường học. Các thành viên trong CLB đã  tiến hành dán nhãn phân loại rác trên nắp thùng, như: thùng màu xanh dương chứa rác thải, thùng màu xanh lá cây chứa rác hữu cơ và thùng màu vàng chứa rác tái chế. Sau đó, hướng dẫn các bạn trong trường phân loại rác thải trong giờ sinh hoạt dưới cờ và mỗi ngày sau giờ học, vận động các bạn học sinh hạn chế mức thấp nhất việc đem dụng cụ chứa nước uống, đồ ăn đến trường bằng nhựa sử dụng một lần, thay vào đó sử dụng những dụng cụ inox, nhựa sử dụng lâu dài…

Kết quả là 100% học sinh trong trường đều hưởng ứng, hiện số rác thải nhựa là các hợp xốp đựng cơm, nước uống đã được các em ngưng sử dụng hoàn toàn. Em Ký Thanh Trương – Học sinh lớp 11A5, trường THPT chuyên Lý Tự Trọng bộc bạch: “Con nghĩ chống rác thải nhựa là việc làm đúng đắn và tự bản thân mình phải khắc phục những khuyết điểm của mình trước đây”.

sinh hoạt clb
Một buổi sinh hoạt của CLB Zero Waste - “Trường học không rác thải nhựa”

Nhận thức của cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường được nâng cao, số thành viên CLB Zero Waste - “Trường học không rác thải nhựa” cũng tăng lên được 60 người, hoạt động thu gom rác thải, phân loại rác thải đều được học sinh các khối lớp chấp hành nghiêm túc, hàng ngày và hàng tuần. Những loại rác thải tái chế được  các em đã thu gom lại để bán phế liệu làm kế hoạch nhỏ, mua sắm dụng cụ thu gom rác cho các bạn trong trường, rác hữu cơ được ứng dụng từ những kiến thức đã học để ủ phân chăm sóc vườn cây cảnh tại trường; đồng thời tận dụng các loại vỏ trái cây, như: cam, bưởi, bã mía để ủ và pha với một số hỗn hợp khác, tạo thành nước rửa chén thiên nhiên đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Em Đào Nguyễn Tường Vân – Học sinh lớp 10A3 chia sẻ: “Ý tưởng sản xuất nước rửa chén từ rác thải hữu cơ xuất phát từ một bài ở trang hội yêu rác trên facebook. Bài này người ta có hướng dẫn cách sản xuất EnZym từ các loại rác hữu cơ, em cũng làm thử ở nhà và thấy hiệu quả nên quyết định thực hiện và nhân rộng, giới thiệu cho các bạn biết và cùng sử dụng.

Nhận xét về hiệu quả hoạt động của CLB Zero Waste - “Trường học không rác thải nhựa” thời gian qua, thầy Nguyễn Thế Chiến – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lý Tự Trọng khẳng định: Hoạt động của CLB đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các em học sinh, đặc biệt là ý thức phân loại rác thải, đồng thời lan tỏa về địa phương cũng như gia đình của các em, giúp cho việc phân loại rác thải của toàn Thành Phố đạt hiệu quả cao hơn.

Theo anh Lê Thanh Bình – Bí thư quận Đoàn Cái Răng, TP Cần Thơ, mô hình CLB “Zero Waste” với phong trào “Trường học không rác thải nhựa” là mô hình có thể nhân rộng rất tốt trong học sinh ở các trường THPT trên địa bàn quận. Hiện tại, Ban thường vụ quận Đoàn Cái Răng đã xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình và chuẩn bị  mở các lớp tập huấn về công tác phân loại rác thải tại nguồn, để các em học sinh nắm rõ và thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường cũng như việc phân loại rác thải tại các điểm trường, góp phần xây dựng ngày càng nhiều các điểm trường trên địa bàn có môi trường học đường sáng, xanh, sạch đẹp.

Phong trào xây dựng “Trường học không rác thải nhựa” ở trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ hôm nay đã thực sự lan tỏa rộng rãi và mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần tạo dựng môi trường sư phạm của trường ngày một sáng, xanh, sạch đẹp, góp phần tích cực cùng nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Qua đó, giáo dục 711 học sinh nhà trường ý thức trách nhiệm trước cuộc sống, biết bảo vệ môi trường, tạo dựng được thói quen và hành vi sống đẹp, trở thành những công dân có ích cho xã hội./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng với Câu Lạc Bộ “Zero Waste” - “Trường Học Không Rác Thải Nhựa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO