Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Theo quy định của pháp luật, khi thay đổi trữ lượng thăm dò khoáng sản, thì doanh nghiệp sẽ bị điều chỉnh lại mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể mức thu tiền khi thay trữ lượng thăm dò được quy định tại Điều 6, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP. Khi đó, trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo các trường hợp sau đây:
“1. Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước ngày Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng còn lại tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Cụ thể được xác định như sau:
a) Trường hợp trữ lượng ghi trong giấy phép khai thác là trữ lượng địa chất: Lấy trữ lượng trong giấy phép trừ (-) đi trữ lượng khai thác đã được tính quy đổi thành trữ lượng địa chất. Quy đổi trữ lượng đã khai thác ra trữ lượng địa chất được thực hiện bằng cách lấy trữ lượng đã khai thác chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
b) Trường hợp trong giấy phép khai thác không ghi trữ lượng địa chất và chỉ ghi trữ lượng khai thác: Lấy trữ lượng trong giấy phép trừ (-) đi trữ lượng đã khai thác và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
c) Trường hợp trong giấy phép khai thác ghi tài nguyên được phép khai thác, công suất khai thác năm và thời hạn khai thác hoặc chỉ ghi công suất khai thác năm và thời hạn khai thác: Lấy công suất khai thác năm nhân (x) với thời hạn còn lại của giấy phép và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
d) Trường hợp trong giấy phép khai thác ghi khối lượng sản phẩm hàng hóa (ví dụ số lượng viên gạch, ngói hoặc các trường hợp khác) và thời gian thực hiện: Lấy mức tiêu hao nguyên liệu/đơn vị sản phẩm trong dự án đầu tư nhân (x) với khối lượng hàng hóa sản xuất trong năm, nhân (x) với thời hạn khai thác còn lại của giấy phép và chia (:) cho hệ số thu hồi khoáng sản liên quan phương pháp khai thác;
đ) Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản là nước khoáng và nước nóng thiên nhiên: Lấy lưu lượng nước m3/ngày-đêm theo cấp phép nhân (x) với thời hạn khai thác còn lại của Giấy phép;
e) Cơ sở tính toán trữ lượng đã khai thác cho các trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản này được thống kê theo báo cáo nộp thuế tài nguyên và các chứng từ, tài liệu hợp pháp liên quan hàng năm của các tổ chức, cá nhân.
2. Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Luật khoáng sản 2010 có hiệu lực và trước ngày Nghị định này có hiệu lực: Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định tương tự Điểm a, Điểm b và Điểm đ Khoản 1 Điều này; trong đó trữ lượng đã khai thác bằng không (0).
3. Đối với các giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác không bắt buộc phải tiến hành thăm dò, quy định tại Điều 65 Luật khoáng sản, thì trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp xin gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng lớn hơn so với trữ lượng đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
5. Trường hợp không thể áp dụng quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này thì tiến hành đánh giá phần trữ lượng còn lại. Các chi phí liên quan đến đánh giá trữ lượng do tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản chi trả.
6. Đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định này có hiệu lực, trong giấy phép phải thể hiện trữ lượng địa chất là trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.”
Bạn hãy căn cứ vào quy định trên để biết chính xác về mức tiền doanh nghiệp của mình phải nộp khi thay đổi trữ lượng khoáng sản thăm dò.
Báo TN&MT