Hình ảnh đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè) bị ngập do triều cường vào tháng 11/2020. Ảnh: vnexpress |
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió chướng, mực nước ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ tiếp duy trì ở mức cao đến hết ngày 9/11/2021. Độ cao mực nước lớn nhất tại Vũng Tầu trong đợt triều cường này có thể đạt 4,36m.
Do ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh có khả năng ngập úng tại các vùng trũng thấp. Mực nước cao nhất xuất hiện trong khoảng thời gian từ 0h đến 5h và 14h đến 19h.
Tông tin từ Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cho biết, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 10 Âm lịch và ở mức cao trong 2 ngày vừa qua.
Đến 7h ngày 4/11, mực nước cao nhất ngày tại các trạm được ghi nhận cụ thể như sau: Trạm Vũng Tàu (Biển Đông), mực nước lúc 1 giờ là 3,99m; trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền), mực nước lúc 2h là 1,6m, ở mức báo động (BĐ) 3; trạm Phú An (sông Sài Gòn), mực nước lúc 3h là 1,57m, xấp xỉ BĐ3; trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn), mực nước lúc 5h là 1,59m, xấp xỉ BĐ3; trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai), mực nước lúc 3h30 là 1,86m, cao hơn BĐ1 0,06m.
Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cảnh báo, trong những ngày tới, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên và ở mức cao. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 6-7/11.
Dự báo mực nước cụ thể tại các trạm như sau: Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức 1,65-1,70m (trên BĐ3 0,05-0,10m); thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 17-19h.
Tại trạm Thủ Dầu Một có thể lên mức 1,65-1,70m (trên BĐ3 0,05-0,10m); Tại trạm Biên Hòa có thể lên mức 2,00-2,05m (xấp xỉ hoặc cao hơn BĐ2 0,05m).
Theo Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn ở cấp độ 2. Đây là đợt triều cường cao trong năm có khả năng ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven biển; cần đề phòng khả năng gió Đông Bắc gây nước dâng trong những ngày tới.
Trước tình hình đợt triều cường đầu tháng 11 được dự báo có khả năng gây ngập úng, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị chuyên môn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống và ứng phó.
Theo đó, Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, đơn vị thành phố, UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức triển khai nghiêm phương án chủ động, phòng chống, ứng phó với tình trạng ngập khi mưa lớn.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của triều cường gây ngập úng tại các khu vực đang có dịch…
UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải thường xuyên thông tin về diễn biến của triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra bờ bao, cống, van ngăn triều và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, cơi đắp nếu bờ bao xung yếu.
Ban chỉ huy Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ và thực hiện chế độ báo cáo, nhất là trong ngày nghỉ cuối tuần.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình triều cường qua bản tin của Đài KTTV Nam bộ, website và tin nhắn cảnh báo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hồ Chí Minh.