Triển khai thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Quá ít doanh nghiệp địa phương quan tâm

10/06/2014 00:00

(TN&MT) - Nghị định số 203/NĐ-CP quy định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2014.

(TN&MT) - Nghị định số 203/NĐ-CP quy định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2014. Đến nay, gần 6 tháng thực hiện, ghi nhận tại một số địa phương có số lượng lớn giấy phép khoáng sản được cấp cho thấy, số lượng doanh nghiệp đến cơ quan chức năng nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền chỉ tính trên đầu ngón tay.
   
Ch có 3 doanh nghip…
   
  Ở Nghệ An, cho đến thời điểm hiện tại có 177 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có tới 127 doanh nghiệp được cấp phép từ năm 2009 đến tháng 6/2011. Song theo ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN & MT tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Thiên Sơn - khai thác đá xây dựng ở huyện Quỳ Châu; Công ty TNHH Minh Quang - khai thác đá xây dựng ở Quỳnh Lưu; Công ty TNHH Hải Quân - khai thác sét làm gạch ngói ở Yên Thành nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Sở TN&MT đã tính tiền cấp quyền khai thác cho Công ty TNHH Hải Quân, với số tiền là 94.269.000 đồng.
   
   
   
  Hầu hết các doanh nghiệp khoáng sản tại tỉnh Nghệ An đồng tình với chủ trương thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng tỏ ra băn khoăn với những nội dung được quy định chi tiết tại Nghị định 203. Ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp cho rằng, khi nắm bắt Nghị định 203, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp thực sự lo lắng. Trong đó, lo lắng lớn nhất là việc tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản tính theo trữ lượng địa chất. Bởi trữ lượng, sản lượng thực tế khai thác của các mỏ khoáng sản thấp thua hàng chục lần trữ lượng địa chất.
   
  Bên cạnh đó, tiền thu cấp quyền được tính theo giá tính thuế tài nguyên là chưa thỏa đáng vì trong giá tính thuế tài nguyên, ngoài giá trị tài nguyên còn có hàng loạt chi phí khác như: Chi phí thăm dò cấp phép, xây dựng cơ bản mỏ, lương nhân công, nhiên liệu, khấu hao máy móc thiết bị, chi phí quản lý... Hệ số thu hồi khai thác khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác đối với phương pháp khai thác lộ thiên K1 = 0,9 chưa sát thực tế; Trước thời điểm Nghị định 203 được ban hành, tất cả các doanh nghiệp đều không đưa tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản vào chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, giá bán hàng, quyết toán thuế với Nhà nước. Vậy nên, việc áp dụng thu tiền cấp quyền từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2011) khiến các doanh nghiệp thua lỗ...
   
  Trước những lo lắng của những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Toản cũng cho biết: Sở TN&MT đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ xem xét phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến xác định trữ lượng; quy định về việc hoàn trả tiền cấp quyền đối với các giấy phép điều chỉnh công suất hoặc trữ lượng; Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên các sản phẩm đá liên quan đến tính tiền cấp quyền cho phù hợp với thực tế. Ngày 11/3/2014, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Công văn số 1271 về việc tham mưu quyết định ban hành giá tính thuế tài nguyên. Vậy nên, song song với việc đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương nộp hồ sơ, hiện nay, Sở TN&MT đang cùng một số Sở, ngành của tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện xây dựng bảng giá các loại khoáng sản.
   
Phi đôn đc, thc hin nghiêm
   
  Luật Khoáng sản 2010 được xây dựng với chủ trương không khuyến khích khai thác khoáng sản không có hiệu quả; chỉ cho phép khai thác khoáng sản khi đảm bảo tuân thủ quy hoạch thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản...
   
  Nghị định 203 của Chính phủ là văn bản quy định chi tiết thực hiện Khoản 3, Điều 77 Luật Khoáng sản 2010. Cụ thể, tại Điều 77 về "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản" quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá;  Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản; Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. 
   
  Rõ ràng, Nghị định 203 ra đời để hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 là cấp thiết, đảm bảo tính pháp lý, phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước, và thực sự là một cuộc cải cách công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Thực hiện Nghị định 203 là để có nguồn thu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, cải tạo môi trường và những hệ lụy khác do khai thác khoáng sản gây ra; hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhỏ lẻ, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, không có khả năng cạnh tranh, từ đó quản lý tài nguyên khoáng sản có hiệu quả. Bởi vậy, các cơ quan liên quan cần tỏ rõ trách nhiệm, đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm Nghị định 203.
   
  Bài và ảnh: Minh Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Quá ít doanh nghiệp địa phương quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO