Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh: Cần một tư duy xanh

Thiên Trường| 07/05/2020 10:12

(TN&MT) - Rác thải sẽ chỉ là rác thải nếu chúng bị trộn lẫn với nhau. Rác thải sẽ trở thành tài nguyên nếu chúng được phân loại đúng cách. Nếu không thay đổi tư duy, chúng ta sẽ mãi loay hoay trong vòng vây của rác.

Tăng lượng thải, quá tải thu gom

Với lối sống đô thị của Việt Nam, tỷ lệ dân số tăng lên nhưng lại chưa theo kịp nếp sống văn minh, bởi vậy, nhiều khu vực người dân vứt rác rất bừa bãi. Ngay cả các điểm thu gom rác cũng góp phần tạo ô nhiễm môi trường.

Dự thảo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia năm 2019 - Chuyên đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt” đang được Bộ TN&MT xây dựng cho thấy, từ năm 2010 - 2018, khối lựợng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tăng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2015, khối lựợng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 42.789 tấn/ngày. Năm 2018, tăng lên đến khoảng 61.600 tấn/ngày (khu vực đô thị khoảng 37.200 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 24.400 tấn/ngày).

Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ trong nhận thức

Với lượng gia tăng chất thải rắn sinh hoạt này nguy cơ ô nhiễm và tác động tới sức khỏe cộng đồng rất đáng báo động. Trong khi đó, xử lý chất thải rắn đô thị hiện nay chủ yếu là chôn lấp, với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/đô thị. Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó, chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ô nhiễm từ hàng trăm bãi chôn lấp này luôn hiện hữu.

Trong khi đó, hầu hết các Công ty môi trường đô thị đều chưa có khả năng xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại phát sinh. Do đó, các công ty này mới chỉ thu gom, vận chuyển được chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp hoặc thu gom chất thải rắn công nghiệp lẫn với chất thải rắn sinh hoạt và đưa tới khu xử lý, bãi chôn lấp chung của đô thị.

Ngay tại các khu vực đang vận hành các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh xử lý đến hơn 90% khối lượng rác sinh hoạt hàng ngày, nguy cơ mùi hôi và khó khăn trong xử lý nước rỉ rác vẫn hiện hữu và tốn kém xử lý ruồi muỗi, côn trùng.

Quy định có, vẫn khó thực thi

Việt Nam có nguồn chất thải dồi dào và phong phú. Các chất thải có thành phần hữu cơ cao là một lợi thế cho quá trình xử lý chất thải kết hợp sản xuất điện năng. Tuy vậy, nếu phân loại chất thải không được thực hiện tốt sẽ gây khó khăn cho các nhà máy xử lý.

Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 nhấn mạnh chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.

Bảo vệ môi trường không nhất thiết là phải soạn thảo ra một kế hoạch tầm vỹ mô hay nghiên cứu tạo thành một cỗ máy hiện đại. Thay vào đó, chỉ cần những những hành động nhỏ như tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng túi ni lông, giữ gìn vệ sinh đường phố và nơi ở, trồng cây xanh, bảo vệ động vật là bạn đang thể hiện một cách đúng đắn lối sống văn minh, sự quan tâm và ý thức bảo vệ môi trường. Đối xử thân thiện với môi trường đồng nghĩa với việc đối xử tốt với cuộc sống của chính mình.

Thế nhưng để đạt được mục tiêu này là cả câu chuyện dài. Bởi, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 22% số tỉnh/thành phố ban hành quy định khuyến khích phân loại rác tại nguồn, nhưng thực tế chỉ có 7% các tỉnh áp dụng quy định này. Ngoài ra, trên 55% các tỉnh/thành vẫn còn sử dụng chung một thùng đựng cho các loại rác. Do vậy, nhận thức về lợi ích của việc giảm và tái chế chất thải cũng như năng lực của địa phương để thực hiện các hoạt động này vẫn hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh: Cần một tư duy xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO