Kinh tế

Trấn Yên (Yên Bái): Nhiều hộ dân vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi

Thanh Ngà 20/09/2023 18:01

(TN&MT) – Trong thời gian qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo vườn lên làm giàu.

Với nhu cầu mở rộng diện tích đất trồng rau theo mô hình nhà lưới, chị Nguyễn Thuý Giang – thôn Hạnh Phúc, xã Y Can, huyện Trấn Yên được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng với lãi suất 0,66%/ tháng, được vay trong vòng 5 năm để phát triển kinh tế. Có vốn chị Giang đầu tư trồng rau trong nhà lưới trên diện tích 2.000m2 đất của gia đình và đầu tư thêm hộ thống tưới nhỏ giọt với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

z4707191791500_ad94a88969e6c710240c0eb7e70e529d.jpg
Mô hình trồng rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao

“Nhờ được vay nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Trấn Yên phát triển kinh tế nên gia đình tôi không không phải chạy vạy vay mượn và đầu tư được hệ thống nhà lưới để trồng rau. Ưu điểm trồng rau trong nhà lưới hạn chế được sâu bệnh rất nhiều, từ đó giảm được công chăm sóc mà vẫn mang đến sản phẩm rau, quả sạch đảm bảo chất lượng. Nhờ vậy mà giá bán rau, quả trồng trong nhà lưới luôn cao hơn nhiều so với rau trồng theo quy trình bình thường. Mỗi tháng trừ chi phí gia đình tôi thu về từ 11-12 triệu đồng”, chị Giang chia sẻ.

Cũng giống gia đình chị Giang, gia đình ông Lưu Văn Luận – Thôn Phúc Đình, xã Việt Thành cũng được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, ông Luận đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi.

z4707373171601_b3e2e1d1599ce7f0c18c877bc282565a.jpg
Nhiều hộ dân của huyện Trấn Yên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế

Nhớ lại khoảng thời gian khi chưa đầu tư mô hình nuôi cá lồng, ông Luận kể: Thời gian trước gia đình tôi chủ yếu trông vào mấy sào ruộng, những lúc rảnh trong làng ai thuê gì thì làm đó, rất vất vả những cũng chỉ đủ ăn. Vợ tôi cũng hay đau ốm, có tháng không đủ ăn vì hết nhiều tiền thuốc cho vợ. Cuối năm 2019, gia đình tôi được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế, tôi vay mượn thêm và phát triển được mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi.

“Với diện tích mặt nước có sẵn tôi đầu tư nuôi cá, tận dụng đất sẵn có trồng sắn, trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho cá. Hàng năm ngoài thu hoạch cá từ hồ tự nhiên, tôi đầu tư xây dựng thêm 30 lồng để nuôi các loại cá như: Cá chép, trắm, rô phi…Nhờ tận dụng hiệu quả nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có nên chi phí chăn nuôi giảm đáng kể. Với 30 lồng nuôi cá theo hình thức luân phiên, tôi luôn đảm bảo nguồn cá thịt cung cấp ra thị trường. Năm 2022 sau khi trừ hết chi phí tôi thu về khoảng 200 triệu đồng.” ông Luận cho hay.

Nhờ có nguồn vốn vay phát triển kinh tế từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện mà mức thu nhập của gia đình ông Luận và chị Hạnh được nâng lên, tạo động lực để các hộ gia đình vươn lên làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngân - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Trấn Yên cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn đạt trên 490 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 490 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với đầu năm, ủy thác thông qua 76 tổ chức hội đoàn thể cấp xã, với 270 tổ tiết kiệm và vay vốn, có trên 9.000 lượt khách hàng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội.

z4707372788462_5ecab2150bb1c6ebb5b0ed6a454e237d.jpg
Cũng trong 8 tháng đầu năm doanh số cho vay đạt trên 70 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn

Cũng trong 8 tháng đầu năm doanh số cho vay đạt trên 70 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, với 13 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện tại đơn vị.

Trong thời gian tới, phòng giao dịch sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác thường xuyên tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách, khảo sát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn để giải ngân đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của đối tượng. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.

Đồng thời, bám sát các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, đầu tư vốn tín dụng chính sách một cách hợp lý, nâng mức cho vay phù hợp với nhu cầu người vay. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội nhằm giúp người nghèo biết cách sử dụng vốn có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trấn Yên (Yên Bái): Nhiều hộ dân vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO