Trấn áp tội phạm về môi trường: Điểm nóng vùng biên

07/03/2014 00:00

(TN&MT) - Lực lượng cảnh sát môi trường đã đưa ra nhận định, các địa bàn "nóng" về vận chuyển thực phẩm “bẩn” là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

(TN&MT) - Nhiều năm trở lại đây, lực lượng cảnh sát môi trường đã đưa ra nhận định, các địa bàn "nóng" về vận chuyển thực phẩm “bẩn” là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Trong đó, Quảng Ninh và Lạng Sơn là hai địa bàn phức tạp nhất.
   
Chặn thực phẩm bẩn từ biên giới
   
  Tình trạng nhập lậu các loại hàng hóa nói chung và các mặt hàng liên quan đến động vật hoang dã, thực phẩm “bẩn”, gia súc, gia cầm nói riêng tại các tỉnh biên giới Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
   
  Quảng Ninh là địa bàn phức tạp nhất bởi tiếp giáp với Trung Quốc với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, các cửa khẩu quốc gia Hoàng Mô, Bắc Phong Sinh, các điểm thông quan Lục Lẩm, Ka Long, Bắc Luân... khu chuyển tải Vạn Gia và hàng chục điểm mở tại đường biên. Các mặt hàng thực phẩm nhập lậu vận chuyển vào nội địa tiêu thụ chủ yếu gồm: Gà thải loại, gà vịt giống, lợn, nội tạng, thịt động vật, trứng, cá mực tôm, bánh kẹo, đồ uống.... Tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội, tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội tình trạng nhập lậu cũng "nóng" tương tự.
   
    
Cơ quan chức năng thu giữ thực phẩm “bẩn” chuẩn bị tuồn vào tiêu thụ.
   
  Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc để thuê vận chuyển hàng hóa với số lượng nhỏ lẻ, dùng phương tiện thô sơ, xe ba bánh để vận chuyển từ biên giới vào nội địa. Các tuyến vận chuyển hàng thực phẩm, nhân bánh Trung thu nhập lậu chủ yếuqua các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Quảng Ninh.
   
  Chỉ tính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2013, lực lượng chức năng  đã kiểm tra bắt giữ 87 vụ, thu giữ 1.875 kg nội tạng động vật, 8.743kg gà thải loại, 1.860 kg nầm lợn. Riêng trong tháng 1/2014, đã bắt giữ 250 kg nầm lợn. Cùng với đó đã bắt giữ 500 kg bột ngọt, 180 lọ dầu hào do Trung Quốc sản xuất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
   
  Gần đây nhất, dư luận hết sức băn khoăn và lo ngại khi các cơ quan chức năng bắt giữ 96.000 liều thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ là thuốc nhập lậu từ Trung Quốc, không có trong danh mục thuốc BVTV. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nhu cầu nhập khẩu các loại rau, củ, quả, thực phẩm lớn, nên nguy cơ thực phẩm “bẩn” lọt qua biên giới rất cao. Theo đó, tỷ lệ 8,3% số mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép nói trên là tương đối lớn. Chưa kể, trong quá trình lưu thông, buôn bán ở chợ, các thương gia còn dùng chất bảo quản vượt dư lượng cho phép nhiều lần.
   
Lật tẩy vỏ bọc "tạm nhập tái xuất"
   
  Tạm nhập tái xuất là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào và xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam. Việc buôn bán các hàng cấm dưới dạng tạm nhập tái xuất được các đối tượng coi là "thuận lợi" nhất bởi đây thường là hàng, không bị kiểm tra nghiêm ngặt, không phải nộp thuế vì Việt Nam chỉ làm hợp đồng trung chuyển sang nước thứ 3.
   
  Ước tính, mỗi kg ngà voi ở Việt Nam có giá 5.000 - 7.000 USD, còn ở một số nước khác mỗi đôi ngà voi có giá 40.000 - 50.000 USD. Vì thế, mà việc buôn bán ngà voi, tê tê… chỉ cần trót lọt vài vụ, mức thu lời sẽ là "siêu lợi nhuận".
   
  Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho thấy, các loài động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp gồm đủ các loại, từ rắn, kỳ đà, rùa, hổ, báo, gấu, sơn dương... Trong đó, thú rừng chiếm khoảng 20%, rắn 45%, rùa 30%, chim 3%, còn lại là các loài thú khác. Hàng năm, có khoảng 4.000 đến 4.500 tấn động vật hoang dã buôn bán vận chuyển bất hợp pháp từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhiều người trở nên giàu có từ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Pờ I (Kon Tum), Lộc Ninh (từ Campuchia sang)...
   
  Những lô ngà voi, tê tê đông lạnh, vẩy tê tê rất hay được cất giấu, ngụy trang bằng cách bọc trong các bao tải chứa rong biển, rau câu khô, vỏ ốc, hoặc nếu lô hàng đó là gỗ thì chúng đưa vào lõi đóng kín như lô hàng gỗ nguyên vẹn chứ không phải hàng hóa khác. Cơ quan chức năng phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới phát hiện đó là ngà voi, vẩy tê tê nhập lậu. Vì chưa có máy soi container nên chủ yếu lực lượng hải quan chỉ phát hiện được bằng kinh nghiệm và nguồn tin từ nước ngoài.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trấn áp tội phạm về môi trường: Điểm nóng vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO