Trạm đo mưa, đo khí tượng: Rất thiếu!

10/04/2014 00:00

(TN&MT) - Các trạm đo mưa, đo khí tượng hiện còn thiếu về số lượng và phân bố chưa hợp lý theo lãnh thổ, các vùng khí hậu và sinh thái.

(TN&MT) - Các trạm đo mưa, đo khí tượng hiện còn thiếu về số lượng và phân bố chưa hợp lý theo lãnh thổ, các vùng khí hậu và sinh thái.
   
Thiếu – phân bố không đều
   
  Ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nước ta hiện có 178 trạm khí tượng, phân bố không đều giữa các vùng với mật độ trung bình khoảng 1.870 km2/trạm so với các nước trung bình 400 km2/trạm là còn rất thưa. Vùng phía Bắc (tính từ Đèo Hải Vân trở ra) mật độ khoảng 1.440 km2/trạm, phía Nam khoảng 2.500 km2/trạm, khu vực đồng bằng (chủ yếu là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ) có những trạm chỉ cách nhau khoảng 20 km, trong khi miền núi, nhất là vùng núi cao như Tây Nguyên mật độ khoảng 3.116 km2/trạm. Tây Bắc khoảng 1634 km2/trạm. Dọc theo ven biển dài 3.260 km chỉ có 30 trạm khí tượng bề mặt, có nơi khoảng 100 km mới có một trạm. Đặc biệt ngoài biển khơi mật độ trạm quá thưa, cả khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên đảo, các cơn bão lại hình thành và di chuyển trên đại dương trong khi lại thiếu số liệu quan trắc khí tượng phục vụ dự báo bão.
   
   
Ghi chép dữ liệu khí tượng.
   
  Mạng lưới điểm đo mưa hiện có 877 điểm đo, theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 1000 điểm đo, từ khi Quy hoạch ban hành đến nay đã phát triển thêm 453 điểm đo. Thiết bị đo mưa hiện có 414 điểm đo là các thiết bị đo thủ công truyền thống, 463 điểm đo mưa tự động. Hệ thống điểm đo mưa gồm 1289 vị trí, trong đó có 412 điểm nằm ngay trong các trạm khí tượng thủy văn (178 trạm khí tượng, 234 trạm thủy văn) và 877 điểm nằm ngoài các trạm khí tượng thủy văn. Mật độ trung bình của các điểm đo mưa vào khoảng 250 km2/điểm, phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. ở đồng bằng Bắc Bộ khoảng 120km2/điểm, miền núi cao phía bắc và Tây Nguyên khoảng 300 km2/điểm.
   
  Mưa thay đổi rất mạnh theo không gian nên mật độ điểm đo mưa hiện tại là quá thưa. Mặt khác, có sự khác biệt khá lớn về mật độ phân bố các điểm đo mưa giữa các vùng trong cả nước, khá dày ở đồng bằng ven biển, khá thưa ở vùng núi cao và Tây Nguyên. Đối với vùng núi cao, nơi có địa hình biến đổi mạnh mẽ, nơi đầu nguồn các hệ thống sông suối, mạng lưới điểm đo mưa chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dự báo, nhất là cho công tác cảnh báo lũ quét, cho ứng dụng các mô hình tính toán thuỷ văn, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như cho công tác quy hoạch phát triển của các địa phương trong khu vực. Như vậy có thể thấy, mạng lưới quan trắc khí tượng hiện còn thiếu về số lượng và phân bố chưa thực sự hợp lý theo lãnh thổ, theo các vùng khí hậu và các vùng sinh thái.
   
Cần tiếp tục đầu tư hệ thống thiết bị mới
   
  Trao đổi với phóng viên, người đứng đầu cơ quan khí tượng thủy văn bộc bạch, nhiều năm qua Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đầu tư xây dựng, nâng cấp trạm quan trắc khí tượng thủy văn trong đó có mạng lưới đo mưa trên lãnh thổ toàn quốc, song song với việc đổi mới, thay thế hệ thống đo đạc thủ công chuyển dần sang hệ thống đo đạc và quan trắc tự động, bán tự động. Các thiết bị đo được trang bị đã phát huy hiệu quả, cung cấp tương đối đầy đủ, kịp thời các số liệu quan trắc phục vụ cho công tác cảnh báo, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn, đồng thời phục vụ cho công tác điều tra cơ bản, dịch vụ số liệu cho các ngành kinh tế quốc dân, điều tra nghiên cứu biến đổi khí hậu.
   
  Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn, trong đó có các trạm đo mưa còn hạn chế về công nghệ đo. Do mật độ lưới trạm còn thưa trên toàn quốc nên khả năng cung cấp số liệu phục vụ cho yêu cầu dự báo cảnh báo và nghiên cứu, trong đó có các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, thời tiết, quản lý an toàn cho các hồ chứa nước còn hạn chế. Số liệu quan trắc khí tượng trên vùng biển đảo có tầm quan trọng đặc biệt cho dự báo bão và áp thấp nhiệt đới nhưng mật độ trạm hiện lại rất thưa. Số liệu quan trắc khí tượng trên vùng biển đảo ngoài việc phục vụ dự báo bão còn phát báo cho quốc tế và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
   
  Để có khả năng cung cấp đầy đủ, nhanh chóng hơn và tăng độ tin cậy, độ chính xác của số liệu, tăng cường khả năng thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu về cả không gian và thời gian, kịp thời cung cấp số liệu cho công tác cảnh báo, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ; quản lý các hồ chứa nước… cần tiếp tục đầu tư trang bị hệ thống thiết bị mới có tính năng ưu việt và phù hợp hơn. Đặc biệt phục vụ công nghệ dự báo số trị, sử dụng mô hình tiên tiến trên máy tính rất cần số liệu được truyền tin tự động, kịp thời và chính xác về các trung tâm dự báo các cấp tỉnh, cấp đài, cấp trung ương và phục vụ phát báo quốc tế.
   
Nhị Giang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm đo mưa, đo khí tượng: Rất thiếu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO