Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý về thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được quy định như sau.
Thứ nhất, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Sau khi pha chế, phun rải thuốc bảo vệ thực vật phải thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để vào “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” theo quy định; Để riêng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; Không sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào các mục đích khác; Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thứ hai, trách nhiệm của Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng: Tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp; Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý; Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT; Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thứ ba, trách nhiệm của Người thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng: Thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong quá trình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Trang bị bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ, ủng cao su và các phương tiện, vật tư cần thiết khác phục vụ việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Ký hợp đồng và được trả công theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với người sử dụng lao động trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thứ tư, trách nhiệm của đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa: Căn cứ vào thực tế từng địa phương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lựa chọn đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa.
Đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa trực tiếp thu gom, hoặc ký hợp đồng hoặc huy động sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ bể chứa đến khu vực lưu chứa và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không để đúng nơi quy định trên địa bàn quản lý.
Đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ký hợp đồng với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và đứng tên đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ; kê khai chứng từ và chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
Tổ chức, cá nhân vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của về quản lý chất thải nguy hại.
Thứ năm, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm: Bố trí kinh phí, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại địa phương; Chỉ đạo các đơn vị chức năng ở địa phương tổ chức, tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra công tác thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm: Tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn; quản lý việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; quản lý hoạt động chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của Ủy ban nhân dân cấp xã với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp theo quy định về quản lý chất thải nguy hại để vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật; Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Quy định địa Điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 3 Thông tư này; Quy định địa Điểm đặt khu vực lưu chứa (nếu có), triển khai xây dựng khu vực lưu chứa theo quy định; Tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật t rên địa bàn thu gom bao gói vào bể chứa và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan; Kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật; Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thứ sáu, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.