Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Linh Chi| 28/04/2022 12:31

(TN&MT) - Đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và BVMT trong các khu công nghiệp (KCN) đã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất, trong đó quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Để quản lý và kiểm soát ô nhiễm KCN, Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành 54 Thông tư và Thông tư liên tịch, 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có liên quan trực tiếp. Đó là, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; Nghị định số 38/2015/NĐ - CP về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải; Thông tư số 35/2015/TT - BTNMT về BVMT khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 với 9 nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong KCN như: mở rộng đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí nước thải bằng 10% giá nước sạch; phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại; chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị công khai thông tin…

khu-cong-nghiep.jpg

Các văn bản pháp luật này đã quy định rõ trách nhiệm bảo môi trường của doanh nghiệp từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng khu công nghiệp. Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường (trước đây là cam kết bảo vệ môi trường) của doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Trong đó, các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được quy định cụ thể như: Quy hoạch các khu chức năng trong khu công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Các dự án trong khu công nghiệp có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở khác trong khu công nghiệp và các đối tượng kinh tế - xã hội xung quanh khu công nghiệp; Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong khu công nghiệp, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh; Diện tích cây xanh trong phạm vi khu công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có nghĩa vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Chủ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Trong giai đoạn triển khai xây dựng khu công nghiệp; trách nhiệm bảo vệ môi trường chủ yếu thuộc về doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Song song với quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trong khu công nghiệp, các hạng mục về bảo vệ môi trường phải được xây dựng. Các hạng mục đó gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (gồm hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn (nếu có), hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác. Đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa phải hoàn thành trước khi khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Ngoài ra còn phải thực hiện thêm một số nghĩa vụ quan khác gồm: Quản lý chất thải rắn; Quan trắc môi trường; Ký văn bản thỏa thuận điều kiện đấu nối nước thải với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; đấu nối nước thải của cơ sở vào hệ thống thu gom nước thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung dưới sự giám sát của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc phải có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường

Đối với giai đoạn khu công nghiệp đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải vận hành thường xuyên, liên tục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường và công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp gửi Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phải đảm bảo toàn bộ chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải vào môi trường. Chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có thể tự mình hoặc ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện để xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường báo cáo theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả quan trắc cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO