(TN&MT) – Đây là một dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền bàn giao đất, chủ đầu tư chỉ san nền, làm hệ thống đường giao thông, thoát nước … rồi phân lô bán nền kiếm lời.
Chủ đầu tư làm trái chủ trương của tỉnh?
Đơn khiếu nại tập thể của nhiều hộ dân sinh sống tại phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên gửi đến báo TN&MT cho biết, dự án xây dựng Khu dân cư đồi Yên Ngựa (TP. Thái Nguyên) được UBND TP.Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 01/03/2011 (Quyết định 1818/QĐ-UBND). Ngày 15/9/2011, tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2322/QĐ-UBND phê duyệt dự án này và giao Công ty cổ phần Hải Đăng làm chủ đầu tư.
Theo Quyết định phê duyệt, dự án này rộng 2,9 ha và có tổng mức đầu tư là 125 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư bao gồm các hệ thống cơ sở hạ tầng khu dân cư và các công trình công cộng khu cây xanh, nhà văn hóa … góp phần tạo không gian kiến trúc cảnh quan cho khu vực dân cư đã được quy hoạch nói riêng và cho cả thành phố Thái Nguyên nói chung.
Dự án sẽ xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư gồm các hạng mục: san nền, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, điện chiếu sáng nội bộ, xây dựng phần móng và phần thô các nhà phân lô liền kề, nhà văn hóa và hệ thống cây xanh cảnh quan trên cơ sở quy hoạch được duyệt. Thế nhưng, phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại đây cho biết, chủ đầu tư đã không tuân thủ theo quy hoạch và làm trái hẳn với chủ trương đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt để tự ý phân lô, bán nền kiếm lời.
Nhằm làm rõ thông tin phản ánh nêu trên, PV báo TN&MT đã trực tiếp có mặt tại dự án khu dân cư đồi Yên Ngựa (TP. Thái Nguyên) để ghi nhận. Thời điểm PV có mặt, những hạng mục cơ bản như: đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, hệ thống điện và chiếu sáng nội bộ đã được chủ đầu tư hoàn thiện. Đất đã được phân lô và bán cho người dân. Nhiều căn nhà đã mọc lên san sát.
Tuy nhiên điều đáng nói ở chỗ, trên phần diện tích đã được phân lô, người dân tùy hứng xây dựng mà không theo một quy chuẩn nào. Quan sát của PV thấy rằng, các ngôi nhà lô nhô nằm sát nhau, có nhà xây 4 tầng, có nhà xây 3 tầng, có nhà xây 2 tầng. Thế rồi, có nhà sơn màu xanh, có nhà sơn màu vàng, có nhà xây cổng, có nhà lại không? Hiện chủ đầu tư chưa xây dựng nhà văn hóa cho khu dân cư và khu vực được quy hoạch trồng cây xanh đang bỏ hoang để cỏ mọc um tùm.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, một hộ dân có diện tích đất bị thu hồi để xây dựng dự án cho biết: “Chủ đầu tư chỉ phân lô bán nền kiếm lời chứ có đầu tư xây dựng cái gì đâu? Họ làm đường, làm hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng là để phục vụ dự án, phục vụ lợi ích của họ. Các anh nhìn là thấy, nhà văn hóa, khu vực cây xanh họ đã làm đâu? Thế rồi đất phân lô, người dân mua xong rồi muốn làm móng thế nào, muốn xây dựng ra sao thì tùy? Trong khi Quyết định phê duyệt dự án nêu rất rõ, chủ đầu tư phải hoàn thiện xây dựng phần móng và phần thô các nhà phân lô liền kề, nhà văn hóa và hệ thống cây xanh”.
Giá thu hồi đất chỉ bằng … 10 tô phở
Do dự án xây dựng khu dân cư đồi Yên Ngựa được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt nằm trong diện nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên ngày 29/4/2016, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 915/QĐ-UBND phê duyệt giá đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất tái định cư dự án trên. Theo đó, đối với đất nông nghiệp, giá đền bù khoảng 400.000 đồng/1m2.
Trong vai một người có nhu cầu mua đất nền tại dự án khu dân cư đồi Yên Ngựa, PV đã liên hệ với H. – nhân viên bán hàng của Công ty cổ phần Hải Đăng. Khi PV ngỏ ý muốn mua đất nền tại dự án này, H. cho biết: “Hiện công ty bên em đã bán hết các lô đất rồi. Nếu anh có nhu cầu, em có thể giới thiệu cho một lô giữa. Lô này là người của công ty mua nhưng do không có nhu cầu nên đang muốn bán lại. Giá bán bằng với giá gốc. Bây giờ anh muốn mua qua tay, chắc chắn không còn giá đó”. Mức giá mà H. cho là bằng với giá gốc là 16 triệu đồng/1m2.
Khi hỏi về các thủ tục liên quan tới việc xây dựng sau này, H. cho biết: “Công ty chỉ bán đất nền còn việc xây dựng ra sao tùy nhu cầu của gia chủ. Các anh muốn xây thế nào thì xây, không cần phải theo một khuôn mẫu nào cả”.
Như vậy, với giá thu hồi đất nông nghiệp ban đầu chỉ 400.000 đồng/1m2, sau khi chủ đầu tư san nền, làm đường, làm hệ thống điện và thoát nước, giá đất lập tức tăng vọt lên gấp 40 lần. Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi đã hết sức bức xúc và không đồng tình với việc này. Trao đổi với PV, bà Cao Thị Giáp cho biết: “Tôi có 160 m2 đất trồng cây lâu năm. Cả phía chính quyền lẫn chủ đầu tư đều dùng nhiều áp lực khác nhau để buộc tôi giao đất. Tuy nhiên, nhận thấy việc thu hồi đất của chúng tôi với giá rẻ mạt để giao cho doanh nghiệp bán với giá cắt cổ quá bất công nên tôi cương quyết không đồng ý. Thấy vậy, chính quyền thành phố liền ban hành văn bản ép tôi phải nhận tiền đền bù và giao đất. Mặc dù tôi không đồng ý nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên cho người làm đường qua đất nhà tôi. Đây rõ ràng là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng tài sản hợp pháp của công dân”.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin