Theo báo cáo của UBND TP. Ninh Bình, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố là 100 tấn/ngày đêm. Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình là đơn vị thu gom, vận chuyển rác đi xử lý tại Nhà máy xử lý rác Tam Điệp. Tỷ lệ rác thải được xử lý trên địa bàn thành phố đạt khoảng 90%; trong đó, khu vực các phường đô thị 95%, khu vực các xã, phường nông thôn 85%.
Nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 18.370 m3/ngày đêm, chủ yếu được xử lý qua hệ thống bể xử lý nước thải của các hộ gia đình hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường. Thành phố đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại phường Ninh Phong, hiện đang vận hành thử nghiệm.
Đối với rác thải, nước thải khu công nghiệp, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp đều nằm trên địa bàn xã Ninh Phúc là: Khu công nghiệp Khánh phú (loại hình sản xuất chủ yếu: Bốc xếp hàng hoá 1,1 triệu tấn/năm; Đóng và sửa chữa tàu thuyền); Khu công nghiệp Phúc Sơn (khu công nghiệp sạch với sản phẩm may mặc, lắp ráp điện tử, dụng cụ đo lường và sản xuất phần mềm).
Các dự án đầu tư trên địa bàn đã lập hồ sơ môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt/xác nhận theo quy định. Đồng thời, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp theo quy định, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải đảm bảo quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, ở TP. Ninh Bình có 3 xã là Ninh Nhất, Ninh Phúc, Ninh Tiến với 191 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 4 khu kinh doanh tập trung. 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã đều có hệ thống, biện pháp xử lý chất thải; rác thải và nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được các cơ sở thu gom, xử lý theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký và theo quy định. Không có tình trạng trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Về chất thải y tế, toàn bộ chất thải y tế phát sinh được xử lý bằng lò đốt tại bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện sản nhi. Đối với Trung tâm y tế thành phố và 14 trạm y tế tại các xã, phường thì ký hợp đồng xử lý chất thải y tế với Công ty cổ phần, kỹ thuật đầu tư và môi trường ETC để thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại. Tất cả lượng nước thải y tế trên địa bàn thành phố cũng được qua hệ thống xử lý trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước chung của thành phố.
Tất cả các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thông và đường ngõ xóm của các xã được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường, các hộ gia đình đã thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ tạo cảnh quan môi trường. Các khu công cộng không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn không đúng quy định gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn 3 xã có 11 nghĩa trang đã được quy hoạch với tổng diện tích 20,86ha, các nghĩa trang đã được xây dựng cổng, tường rào và các tuyến đường vào các khu nghĩa trang đến nay việc đi lại thuận tiện, quản lý và sử dụng nghĩa trang theo quy chế, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, TP Ninh Bình chú trọng đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, tiếp tục duy trì thu gom xử lý rác thải cho các xã, phường; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội thành phố xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn, mô hình kênh mương, ao không có rác thải. Duy trì, nhân rộng phong trào ngày thứ 7 sạch, cuộc vận động 5 không 3 sạch, ... vận động hộ gia đình xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, xây dựng đường hoa.
Phấn đấu, đến năm 2022 – 2024, TP Ninh Bình có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2024 - 2025: đưa 3 xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc trở thành phường; thành phố Ninh Bình đạt chuẩn tiêu chí đô thị loại I.
Số hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh của các xã trên địa bàn TP Ninh Bình đạt tỷ lệ 100%, trong đó số hộ được sử dụng nước sạch là 7.474/7.490 hộ, đạt tỷ lệ 99,79%"