TP. Huế: Nỗ lực giảm rác thải nhựa trong trường học
(TN&MT) - Với sự hỗ trợ của Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung” (Dự án TVA/WWF – Việt Nam), nhiều trường học tại TP. Huế đã tham gia vào mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, cải thiện quản lý rác thải trong trường học và triển khai các hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức của học sinh và cán bộ giáo viên về tác động của ô nhiễm rác thải nhựa, hướng đến xây dựng một đô thị giảm nhựa bền vững tại miền Trung Việt Nam.
Có mặt tại trường Tiểu học số 1 Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế), một tiết học lồng ghép dạy phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa đang được diễn ra, không khí rộn ràng, vui nhộn, đầy tiếng cười. Tại đây, các em học sinh được giáo viên chỉ dẫn cách tái chế và sử dụng lại các loại rác thải nhựa, thực hành phân loại rác; chuyển tải các câu chuyện về bảo vệ môi trường và được chính các em tái diễn lại ngay trên lớp học.
“Em rất vui vì có những lớp học này, thật sự bổ ích vì em học được cách bảo vệ môi trường, giúp trường xanh sạch đẹp hơn, mang lại nhiều kiến thức. Khi về nhà em sẽ tuyên truyền cho gia đình và người thân không xả rác bừa bãi...”, Lê Huân Đạt (lớp 4/2) bộc bạch.
Cô Hồ Thị Lan Nhi, giáo viên trường Tiểu học số 1 Thuận An chia sẻ, qua sự hỗ trợ của dự án, nhà trường đã tổ chức các buổi họp về chuyên môn để chia sẻ cũng như định hướng cụ thể trong quá trình lồng ghép dạy phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa. Dù các em còn nhỏ nhưng đã biết vận dụng kiến thức, từ những vỏ chai nhựa bỏ đi các em đã làm ra những sản phẩm có ích cho bản thân và gia đình. Có thể nhận định đây là giai đoạn đầu tiên cho các em học sinh có thể định hướng những thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi rất vui vì có những lớp học như này.
Còn tại trường Tiểu học Phú Thượng 1 (phường Phú Thượng), theo ghi nhận, nhà trường thường xuyên tổ chức sự kiện “Đổi rác lấy quà”, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Các em đã mang rác thải thu gom được để đến đổi những vật dụng cần thiết cho việc học như tập vở, bút viết... Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn cách ủ phân và chăm sóc vườn rau ngay trong khuôn viên trường.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (WWF-Việt Nam), học sinh cấp 1 và cấp 2 là các đối tượng ưu tiên triển khai các hoạt động giáo dục môi trường để hình thành thói quen và hành vi giảm nhựa từ khi các em còn nhỏ và từ đó lan tỏa ra cộng đồng và gia đình. Kể từ năm 2022 đến nay, Dự án đã tài trợ cho 52 trường học tại TP. Huế thực hành mô hình giảm nhựa, trong đó 32 trường tiểu học và 20 trường trung học cơ sở với gần 37.00 học sinh tham gia. Ngoài ra, dự án đã bàn giao 72 “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu” cho các trường để thúc đẩy phân loại rác và gia tăng tỷ lệ tái chế rác thải. Dự án cũng thí điểm các mô hình ủ phân bón từ rác hữu cơ từ vườn và nhà bếp của các trường học. Thành phẩm phân khô/ phân nước có thể được sử dụng để bón lại cho chính các cây xanh hoặc vườn rau trong trường học giúp đa dạng mô hình thực nghiệm tại trường để học sinh tương tác và trải nghiệm.
Tại các trường học tham gia Dự án, 25 CLB “Em yêu môi trường” cũng đã được thành lập với hơn 500 học sinh tham gia. Đây là nơi các em được tham gia những buổi sinh hoạt, các dự án học tập và hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường. Cụ thể, các em học sinh trở thành những “Đại sứ xanh” tham gia tuyên truyền và thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa theo phương pháp giáo dục hành động. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên nhí trong chính lớp học và gia đình của các em. Thành viên CLB được hướng dẫn sử dụng bảng kiểm với 9 hành động thuộc 3 nhóm (phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa tại trường học và trong sinh hoạt hàng ngày) và cách ghi nhận lại những thực hành tốt của các em định kỳ theo từng tháng. Những ghi nhận ấy sẽ được phụ huynh và giáo viên phụ trách CLB tổng hợp để tuyên dương nhằm tiếp thêm động lực cho các em.
Để giúp các em thực hiện các dự án học tập và có nhiều trải nghiệm đa dạng, Dự án cũng đã kết nối với các trường học với nhiều bên liên quan như Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO), các đoàn thể địa phương, ban quản lý các chợ để tổ chức các hoạt động cho học sinh làm túi giấy tặng tiểu thương thay thế sử dụng túi ni lông, trải nghiệm một ngày làm công nhân vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh gần trường học giảm thiểu nhựa sử dụng một lần. Qua đó các em có thêm nhiều cơ hội để lan tỏa những kiến thức mình đã được tiếp nhận về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa tới nhiều đối tượng hơn.
Học sinh các trường còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi như cuộc thi Rung chuông vàng, thi hùng biện, vẽ tranh và thiết kế bìa sách... Không những thế, các em còn được tham gia vào những đợt kiểm toán rác tại trường để hiểu về thực trạng phát thải của chính trường mình.
“Với sự quan tâm của các thầy cô giáo, sự sáng tạo trong cách tiếp cận của các em học sinh và sự hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, kinh phí của dự án, các mô hình giảm rác thải nhựa tại trường học ở Huế đã và đang được triển khai hiệu quả và thu hút sự tham gia đông đảo của các thầy cô và học sinh. Bên cạnh đó, sự đồng hành, tạo điều kiện của phụ huynh đã giúp con em học hỏi, thực hành về bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề chống ô nhiễm rác nhựa, là nguồn lực trẻ góp phần thay đổi tư duy và và hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, thực hành lối sống xanh giảm nhựa cho người thân và bạn bè, qua đó hướng đến xây dựng một đô thị giảm nhựa bền vững tại miền Trung Việt Nam”, bà Hoàng Ngọc Tường Vân chia sẻ.
Năm 2023, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung” (WWF-Việt Nam) triển khai tại trường học đã góp phần thu gom được 8,5 tấn phế liệu, trong đó có hơn 1,2 tấn rác thải nhựa được tái chế