TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng sai phép ảnh hưởng đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

18/10/2017 00:00

  (TN&MT) – Đây là một trong những nguyên nhân được Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân...

 

(TN&MT) – Đây là một trong những nguyên nhân được Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra tại buổi giám sát về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ( Giấy chứng nhận) trên địa bàn TP. HCM, ngày 18/10.

Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thu hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khó khăn  kéo dài ( các trường hợp không phù hợp quy hoạch được xem xét cấp, mở rộng đối tượng mua bán bằng giấy tay…), thành phố tiếp tục giải quyết  cấp được nhiều Giấy chứng nhận, đặc biệt là những trường hợp tồn đọng lâu năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã cấp được 188.898 hồ sơ, đạt 184,7% so với 6 tháng đầu năm 2016. Trong đó, cấp lần đầu ( quận, huyện ký): 13.172 hồ sơ; đăng ký biến động (Sở TN&MT ký): 30.837 hồ sơ; cập  nhật biến động trang 3,4 giấy chứng nhận ( Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện ký): 144.889 hồ sơ. Tính đến nay, TP.HCM đã cấp được 1.493.815 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân.

Toàn cảnh buổi làm viêc  của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về công tác cấp Giấy chứng nhận
Toàn cảnh buổi làm viêc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về công tác cấp Giấy chứng nhận

Ngày 17/8/2017, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 36/2017/ QĐ – UBND  quy định phối hợp giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký  đất đai, tài sản  khác gắn liền với đấ; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP.HCM.

Đối với tổ chức, trong  6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM  đã cấp được tổng số  10.895 hồ sơ, đạt 234, 8% so với 6 tháng đầu năm 2016.  Trong đó, cấp  lần đầu  2.199 giấy ( có  1.903 giấy tại các dự án nhà ở); cấp đổi, cấp lại, tặng cho, hình thành pháp nhân mới: 8.439 hồ sơ; biến động  do đổi tên, cho thuê lại, chuyển nhượng, chuyển mục đích, gón vốn, chuyển từ thuê sang giao, sửa chữa sai sót.

Để tieép tục  triển khai kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đối với những trường hợp còn tồn đọng, Sở TN&MT đã đề nghị UBND 24 quận, huyện  rà soát, thống kê, lập danh sách và báo cáo  số lượng  nhà, đất cần phải đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trong năm 2017. Tính đến nay, qua báo cáo của 17/24 quận, huyện, TP.HCM còn  42.131 trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp Giấy chứng nhận (chưa đầy đủ), gồm: 14.963 trường  hợp chuyển nhượng bằng giấy tay  sau ngày 01/7/2014;  21.102 trường hợp vướng  quy hoạch, vi phạm pháp luật đất đai, có tranh  chấp;  6.066 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận.

Xây dựng sai phép, quy hoạch “treo” tràn lan

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: Giấy chứng nhận là quyền lợi và nhu cầu hợp pháp, bức thiết của người dân; đồng thời cũng góp phần giải quyết nhu cầu vốn của xã hội. Công tác cấp Giấy chứng nhận không chỉ là trách nhiệm riêng của Sở TN&MT mà nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp như: xây dựng, quy hoạch, tài chính…

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc

Trong khi đó, ông Tuyến cũng thừa nhận, thời gian qua, các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố đã buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, dẫn đến tình trạng vi phạm đất đai ngày càng phức tạp ở các quận huyện ngoại thành: người dân lấn chiếm đất, xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp.

Đặc biệt, tình trạng xây dựng các công trình nhà ở không phép, sai giấy phép liên tục diễn ra ở một số địa bàn vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn…đã dẫn tới hàng ngàn căn nhà không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.

 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thời gian qua, một số công trình xây dựng không đúng giấy phép, không phép vẫn cho tồn tại…càng làm cho tình trạng vi phạm  ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn. Vì vậy, TP.HCM phải xem xét lại việc xử lý các công trình sai phạm, không thể du di cho qua, hợp thức hóa.

Bên cạnh đó, hàng ngàn hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn TP.HCM đang bị dừng lại do vướng các dự án treo, quy hoạch treo. Điển hình là dự án bán đảo Thanh Đa ( quận Bình Thạnh) đã treo 25 năm khiến quyền lợi của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, hàng chục dự án quy hoạch đường giao thông được phê duyệt nhưng không có kế hoạch triển khai cụ thể cũng khiến cho hàng ngàn hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận không được xem xét giải quyết.

Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã yêu cầu UBND TP.HCM phải rà soát lại công tác quản lý quy hoạch  và cấp phép xây dựng. Nếu không làm tốt thì công tác cấp Giấy chứng nhận sẽ rất nhiều khó khăn. “Việc xây dựng không phép ai cũng biết, vi phạm pháp luật ai cũng biết. Vậy sao nó vẫn tồn tại và không ngừng diễn ra ?” – ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy đặt ra yêu cầu, TP.HCM phải đổi mới mô hình quản lý xây dựng và đô thị  so với hiện nay, cần có mô hình quản lý ở quy mô siêu đô thị. Đối với những dự án treo, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND Thành phố sớm có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc thội Thành phố, Thường trực Thành ủy, HĐND Thành phố về  danh sách và phương án xử lý các dự án từ 5 năm trở lên không triển khai hoặc triển khai không đáng kể.

Kiến nghị phân cấp

Theo các đại biểu Quốc hội TP.HCM, qua giám sát tại  một số quận, huyện, công tác  cấp Giấy chứng nhận chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, tình trạng hồ sơ bị  “ngâm”, hồ sơ bị trễ hẹn vẫn còn khá phổ biến.

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM cho biết: Mỗi tháng,  các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện  chuyển 6.000 hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố để ký cấp Giấy chứng nhận; chi phí vận chuyển mỗi năm hết khoảng  5 tỷ đồng. Riêng việc vận chuyển hồ sơ từ các quận, huyện về thành phố và ngược lại đã mất thời gian từ 5 – 10 ngày, ngoài ra chưa nói đến việc hồ sơ bị ứ đọng do quá tải ở Văn phòng đăng ký đất đai thành phố.

Vì vậy, Sở TN&MT đã đề xuất: Chi nhánh  Văn phòng đăng ký đất đai (đặt trụ sở tại các huyện) được  trực tiếp ký  cấp Giấy chứng nhận và đóng dấu  của Chi nhánh  Văn phòng Đăng ký đấ đai  đối với các trường hợp biến động  mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản  được lựa chọn hình thức cập nhật trên trang 3,4 Giấy chứng nhận gốc hoặc cấp mới Giấy chứng nhận cho  hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở và gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Nguyễn Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng sai phép ảnh hưởng đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO