TP. Hồ Chí Minh: Đồng hành cùng doanh nghiệp khi tham gia thị trường các-bon
(TN&MT) - TP.HCM kiến nghị và phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ các - bon; tăng cường đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK), hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm giảm phát thải trong sản xuất.
Mong sớm hoàn thiện chính sách
TP.HCM là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ các-bon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải. Theo Quyết định số 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có 140 doanh nghiệp phát thải lớn phải kiểm kê KNK. Theo yêu cầu của Bộ TN&MT, TP.HCM đã rà soát và bổ sung thêm 131 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê.
Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP giao dịch tín chỉ các-bon Asean (CTTPA) cho biết, đến nay đơn vị này đã ký kết hợp tác với 30 doanh nghiệp của TP.HCM nằm trong diện phải kiểm kê KNK. Những doanh nghiệp này chủ yếu thuộc các lĩnh vực thép, may mặc, phân bón và đều là những doanh nghiệp phải chịu tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Các doanh nghiệp đều mong muốn có giải pháp để giảm phát thải, từng bước phát triển các dự án các-bon…
Theo ông An, CTTPA đã tổ chức một chuỗi khóa đào tạo kiểm kê khí nhà kính từ cơ bản đến nâng cao với chi phí thấp cho các doanh nghiệp trên; đồng thời thí điểm sử dụng 1 nền tảng công nghệ kiểm kê khí nhà kính tự động để giám sát quá trình phát thải của một số doanh nghiệp… Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, CTTPA cũng đang hợp tác với 10 công ty FDI để phát triển các dự án tạo tín chỉ các-bon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo của CTTPA cho rằng, việc hợp tác này chỉ là những bước đi ban đầu trên hành trình hướng tới một thị trường các- bon hoàn chỉnh của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
“Các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị trung gian như CTTPA rất mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan đến thị trường các-bon. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cho rất nhiều các doanh nghiệp đang có nhu cầu, bởi mốc thời gian quý I/2025 phải nộp báo cáo kiểm kê đang đến rất gần” - ông Nguyễn Võ Trường An đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Minh - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Grac cho biết, từ năm 2018, đơn vị này đã nghiên cứu và phát triển phần mềm Grac, với tham vọng giúp các đô thị đặt được mục tiêu phát thải bằng “0” đối với chất thải rắn sinh hoạt. Thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, Grac hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ các dữ liệu để phân tích, hoạch định các chiến lược giảm thiểu rác thải cũng như phân loại rác tại nguồn…
Hiện nay, 70% UBND xã, phường của TP.HCM đã sử dụng phần mềm Grac để quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
“Nhưng mức phí mà các địa phương chi trả cho Công ty không đủ chi phí đầu tư và vận hành phần mềm. Để phần mềm Grac tiếp tục được mở rộng đến nhiều địa phương, chúng tôi đang phải kêu gọi vốn của các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tôi mong muốn TP.HCM, các tỉnh, thành khác có một quỹ để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào các dự án các-bon thấp” - ông Nguyễn Trọng Minh mong muốn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho rằng: Hiện nay, chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động tính toán, đánh giá và thẩm định tín chỉ các-bon; thiếu một môi trường mua bán rộng rãi và hiệu quả, đặc biệt là kết nối với các thị trường quốc tế, nơi tín chỉ có thể được bán với giá cao…
“Những thách thức này đang được Chính phủ, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các bộ ngành tích cực tháo gỡ. Đây là tháo gỡ chung không chỉ cho riêng TP.HCM mà còn cho các địa phương khác trên cả nước” - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Hiện nay, Sở TN&MT đang phối hợp cùng Sở Tài chính hoàn thiện Đề án thí điểm Cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, trình UBND Thành phố phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các Bộ: Công Thương, GTVT, NN&PTNT, TN&MT xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải KNK của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT và Sở Tài chính sẽ trao đổi, thống nhất với Bộ TN&MT trong việc tính toán giá, lựa chọn bán tín chỉ các-bon đối với các dự án thí điểm. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan chuẩn bị hỗ trợ cho việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon, sẵn sàng hoạt động thử nghiệm vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028 theo lộ trình đã đề ra.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin, thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường đào tạo và tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về công tác kiểm kê KNK, thị trường tín chỉ các-bon. Thành phố cũng sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình hậu kiểm kê KNK: hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất để giảm phát thải, xây dựng dự án tạo tín chỉ các-bon.