Theo Sở Công Thương, với hơn 10 triệu dân, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn, lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về các chợ đầu mối của thành phố, nên lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu là từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói như các loại rau củ, quả bị héo úa, dập nát, hư hỏng… Điều này, vừa gây ô nhiễm môi trường sống, vừa mang nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn thu gom và xử lý rác.
Hiện nay, tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối của TP.HCM đạt khoảng 240 tấn/ngày, trong đó, gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ.
Thu gom rác thải tại chợ đầu mối Bình Điền |
Theo báo cáo của Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền, hiện chợ đầu mối Bình Điền có 1.500 thương nhân kinh doanh hoa tươi, nông sản, cá đồng, hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản khô… Tổng lượng hàng nhập chợ bình quân khoảng 2.600 tấn/ngày. Mỗi đêm, có khoảng 25.000 - 30.000 lượt người ra vào chợ.
Bà Trần Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, Công ty đã tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các tiểu thương, khách đến mua hàng bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, xả rác đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, Công ty đã trang bị và bố trí các thùng rác, xe chứa rác phù hợp để thu gom phế phẩm hàng hóa, rác thải sinh hoạt tại các nhà lồng chợ và các khu vực xung quanh; tăng cường vệ sinh, thu gom rác thải trong các nhà lồng vào giờ hoạt động ban đêm nhằm đảm bảo thu gom rác thải triệt để.
Qua 1 năm thực hiện Cuộc vận động, tình hình vệ sinh môi trường tại chợ đã có nhiều chuyển biến. Việc tuyên truyền vận động kết hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã tác động tích cực đến nhận thức của thương nhân kinh doanh tại chợ về giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay, trên 75% điểm kinh doanh tại chợ trang bị thùng rác sinh hoạt theo đúng quy định, vệ sinh môi trường trong nhà lồng chợ có nhiều chuyển biến so với trước đây.
Đặc biệt, Ban Quản lý chợ đã yêu cầu các thương nhân chủ động liên hệ nơi cung ứng hàng hóa thực hiện sơ chế tại nguồn trước khi nhập chợ. Việc tổ chức sơ chế hàng hóa nông sản tập trung tại các khu sơ chế khô, sơ chế ướt giúp Công ty kiểm soát nguồn thải tốt hơn. Vì vậy, lượng rác thải hữu cơ phát sinh do sơ chế hàng hóa giảm khoảng 10% - 20%/tháng. Cụ thể, trước đây mỗi ngày, lượng rác thải tại chợ là khoảng 80 tấn, hiện, con số này còn khoảng 50 tấn.
Còn theo báo cáo của Công ty Cổ phần và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức, hiện, chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức có 945 thương nhân với hơn 1.400 điểm kinh doanh rau, trái cây, hoa tươi... Tổng lượng hàng hóa rau củ, trái cây nhập chợ khoảng 3.516 tấn/ngày. Mỗi đêm, có khoảng 15.000 - 20.000 lượt người ra vào chợ.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức cho biết, Công ty đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giảm sử dụng túi ni lông gắn với việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” giai đoạn 2019 - 2021.
Theo đó, Ban Quản lý chợ đã đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể thương nhân, người lao động, các tổ chức đoàn thể về tác hại của rác thải nhựa; thay đổi thói quen sử dụng, phân loại, thu gom tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Đồng thời, vận động thương nhân và người vào chợ không xả rác bừa bãi; vận động thương nhân chấp hành tốt việc phân loại rác thải và không xả rác tại chợ hay nơi cư ngụ. Qua 1 năm thực hiện, lượng rác thải tại chợ đã giảm hơn 305 (trước đây mỗi ngày lượng rác thải tại chợ là khoảng 80 tấn, hiện con số này còn khoảng 55 tấn).
Tuy vậy, ông Nguyễn Nhu cũng cho biết khó khăn hiện nay là việc sử dụng bao ni lông rất tiện lợi trong giao dịch mua bán nên vẫn được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt, túi ni lông khó phân hủy có giá thành rẻ hơn so với túi ni lông thân thiện với môi trường. Để giải quyết khó khăn này, cần có giải pháp để giá thành túi tự hủy bằng loại không tự hủy với chất lượng tương đương.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đánh giá cao kết quả triển khai Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” tại hệ thống chợ đầu mối. Theo đó, ý thức của các tiểu thương và người dân đến chợ trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định đã được nâng lên rõ rệt. Kết quả rõ nhất là lượng rác thải phát sinh đã giảm được 30% so với trước khi triển khai Cuộc vận động.
Thời gian tới, Ban Quản lý các chợ đầu mối cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động. Trong đó, việc tuyên truyền cần gắn với thay đổi nhận thức và hành động để thương nhân có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa.