TP.HCM ứng phó với BĐKH: Hướng tới phát triển xanh

Thanh Quỳnh| 04/08/2022 16:01

(TN&MT) - Trong những năm qua, TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong cả nước trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hiện tại, TP.HCM đang tiếp tục có những giải pháp chiến lược để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

TP.HCM nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn - Đồng Nai, có địa hình thấp. Trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng gây ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân thành phố.

79-1-.jpg

TP.HCM hướng tới phát triển bền vững, phát triển xanh.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP.HCM là 1 trong 10 thành phố trên thế giới bị đe doạ nhiều nhất bởi BĐKH. Theo kịch bản BĐKH do Bộ TN&MT công bố năm 2016, nếu nước biển dâng 100cm, 17,84% diện tích TP.HCM nguy cơ bị ngập.

Đồng thời, TP.HCM là đô thị đặc biệt, với dân số hơn 10 triệu người, là trung tâm kinh tế của cả nước. Song, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km2 ở TP.HCM gấp 17 cả nước là những thách thức rất lớn cho việc bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân và làm cho TP.HCM nhạy cảm hơn với tác động của BĐKH.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM đã sớm nhận thức được tác động và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp…

Tháng 10/2009, thành phố chính thức thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hành động ứng phó với BĐKH gồm 18 đơn vị sở, ngành, 24 quận huyện vào Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo. Năm 2016, Sở TN&MT TP.HCM đã thành lập Phòng Khí tượng Thủy văn và BĐKH.

Đồng thời, TP.HCM đã xây dựng được bộ máy và liên kết với nhiều sở, ngành, có sự giúp sức của doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu trên địa bàn thành phố. Đã tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về BĐKH cho cán bộ công chức và cộng đồng nhân dân. Từ cán bộ công chức chưa hiểu biết về BĐKH cho đến có những hiểu biết cơ bản BĐKH để có thể ứng dụng trong công tác quản lý. Đội ngũ công chức được bổ sung kiến thức về BĐKH thường xuyên và liên tục, được đào tạo ngắn hạn ở một số nước đã đem lại những kiến thức và tư duy mới.

79-2-.jpg

Dự án chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố BĐKH trị giá 10.000 tỷ đồng đang được TP.HCM tháo gỡ vướng mắc để sớm hoàn thành.

Hằng năm, TP.HCM đều ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thành phố đã lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các Chiến lược, Chương trình, Quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của TP.HCM với điều kiện cụ thể phù hợp với các giai đoạn 2011 - 2015; 2016 - 2020 và 2021 - 2025.

Đặc biệt, TP.HCM đã sớm chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Theo đó, từ năm 2009, TP.HCM đã tham gia hoạt động của Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH). Giai đoạn 2011 - 2013, TP.HCM đã hợp tác với TP. Osaka (Nhật Bản) trong chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp và với TP. Rotterdam, Hà Lan trong Chương trình TP.HCM phát triển về hướng biển thích ứng với BĐKH.

TP.HCM phối hợp với Bộ TN&MT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV) (gọi tắt là Dự án SPI - NAMA). Kết quả hợp tác đã giúp TP.HCM tiến hành kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn thành phố; nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Năm 2017, TP.HCM đã đăng cai tổ chức Hội nghị IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Ứng phó với BĐKH - Hành động của các nhà lập pháp nhằm mục tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là cơ hội để TP.HCM mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề BĐKH; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với BĐKH nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời, vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.

Từ đầu năm 2022, UBND TP.HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.HCM. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố, trong đó có nhóm phát thải carbon thấp.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, việc hợp tác quốc tế đã giúp TP.HCM chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, tài chính và tư vấn của các nước phát triển. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng, củng cố các quan hệ quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài chính, đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH.

Hướng tới phát triển xanh

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Dù đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, song hiện tại, TP.HCM vẫn đang phải chịu sức ép từ tác động của BĐKH, nhất là tình trạng nước biển dâng. Bên cạnh đó, tình trạng sụt giảm nước ngầm, sụt lún đô thị; ô nhiễm môi trường do sản xuất và sinh hoạt đang gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện của thành phố…

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đang triển khai các đề án quan trọng như xây dựng Thành phố thông minh, chuyển đổi số, quy hoạch giao thông, quy hoạch chống ngập và xử lý nước thải, xây dựng trung tâm tài chính và nhiều đề án quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, y tế và phát triển nhân lực…

Đặc biệt, theo ông Võ Văn Hoan, TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26. Theo đó, Thành phố đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế thâm dụng lao động phổ thông sang nền kinh tế dịch vụ và sáng tạo, phát triển các ngành công nghệ đột phá, các lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Trong đó, Thành phố sẽ ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường…

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 (hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế) và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững…

Vì vậy, Sở TN&MT TP.HCM đã và sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn. Đồng thời triển khai hệ thống giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành; kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM ứng phó với BĐKH: Hướng tới phát triển xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO