TP.HCM: Tuyên truyền kiến thức về động đất, sóng thần

Nguyễn Quỳnh| 13/09/2022 10:37

(TN&MT) - Mặc dù nằm trong khu vực rất ít có khả năng xảy ra động đất, sóng thần, nhưng TP.HCM vẫn khuyến nghị người dân không chủ quan, phải luôn đề phòng và trang bị những kỹ năng ứng phó.

Sở TN&MT TP.HCM vừa xây dựng kế hoạch tuyên truyền kiến thức về động đất, sóng thần, trong đó tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, xử lý nếu động đất, sóng thần xảy ra.

Vẫn có khả năng xảy ra động đất, sóng thần

Sở TN&MT TP.HCM cho biết, theo các đề tài nghiên cứu nghiên cứu khu vực TP.HCM và Nam Bộ thì các đứt gãy khu vực Nam bộ có khả năng gây động đất mạnh tới 5,5 độ Richter, gây chấn động cấp VII ở khu vực TP.HCM và nhiều vùng khác là có thể xảy ra.

Thực tế đến nay, khu vực TP.HCM chưa ghi nhận có tâm phát ra động đất. Hiện mới ghi nhận chuỗi động đất M4,5 - 5,5 năm 2004, 2005, 2007 ở vùng biển Nam Bộ gây ra một số dư chấn làm cho các nhà cao tầng của thành phố rung nhẹ, ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người dân mặc dù không gây thiệt hại.

11.jpg

Nếu có nguy cơ xảy ra sóng thần tại vùng biển Cần Giờ thì biên độ cũng rất nhỏ.

Theo bản đồ phân bố các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam, trên vùng biển nước ta, động đất có thể xảy ra với độ lớn đến 6 - 6,2 độ Richter nên khả năng xảy ra sóng thần mạnh trong vùng biển nước ta là rất nhỏ. Trong trường hợp nếu có, biên độ sóng thần vùng ven biển nước ta cũng chỉ khoảng 0,65m, đỉnh sóng chưa cao hơn mặt đất nhưng hoàn toàn không được chủ quan.

Đối với khu vực TP.HCM, nếu có nguy cơ sóng thần, có thể xảy ra đối với khu vực biển Cần Giờ và biên độ cũng rất nhỏ.

Ứng phó với động đất, sóng thần thế nào?

Mặc dù khả năng xảy ra động đất, sóng thần là rất nhỏ, nhưng Sở TN&MT TP.HCM vẫn đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền về động đất, sóng thần nhằm khuyến cáo người dân không được chủ quan và luôn trang bị các kỹ năng ứng phó. Mới đây, Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT TP.HCM) đã biên soạn kế hoạch tuyên truyền mới nhất về động đất, sóng thần đến với người dân.

Theo Sở TN&MT, quy tắc chung là không chạy ra khỏi nhà khi đang có chấn động do động đất gây ra, phải bình tĩnh đợi đến khi kết thúc. Khi cảm thấy nền đất hay tòa nhà rung động, lập tức chạy đến vị trí an toàn: Chui xuống gầm bàn chắc chắn, bàn học hoặc lánh vào góc phòng để tránh các vật nặng hay mảnh vỡ rơi xuống đầu. Sau khi chấn động ngừng, bình tĩnh rời khỏi phòng, nhà.

Đồng thời, nếu người dân đang ở nhà cao tầng, không chạy vào thang máy; không gây ùn tắt ở cầu thang, khi di chuyển nên có vật che đầu, dùng đèn pin trong trường hợp mất điện, tránh dùng nến dễ gây hỏa hoạn. Còn nếu người dân đang ở ngoài đường thì phải chạy tránh xa các tòa cao ốc, tường cao, cây cối và đường dây điện. Nếu đang lái xe, ngừng ở lề đường nhưng tránh xa cột điện, dây điện, gầm cầu.

Sở TN&MT khuyến cáo người dân khi xảy ra sóng thần cần di chuyển theo biên hướng dẫn; lập tức rời khỏi tàu, thuyền đậu tại bến cảng; chạy đến nơi cao hơn, ngược hướng biển. Đối với tàu thuyền ngoài khơi, không quay vào bờ cho đến khi nhận được tin cuối cùng về sóng thần.

Sau khi có sóng thần xảy ra, người dân không chạy ra biển nhặt đồ; cần nhận biết thực phẩm và nước bị nhiễm bẩn. Đồng thời, cần tránh xa các tòa nhà bị hư hỏng. Đặc biệt, người dân cần theo dõi đến khi có tin cuối cùng về sóng thần, không quay lại khu vực biển nếu chưa nhận được thông báo tình hình đã an toàn.

can-gio-7490-1632215630-2-.jpg
Khả năng xảy ra sóng thần mạnh trong vùng biển nước ta là rất nhỏ

Trước đó, năm 2021, UBND TP.HCM đã ban hành Phương án “Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục động đất, sóng thần trên địa bàn TP.HCM”. Trong đó, TP.HCM bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có động đất hoặc sóng thần xảy ra. Cơ quan chỉ đạo là Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Cơ quan chỉ huy gồm: Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan. Cấp huyện là Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện; cấp xã là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.

TP.HCM sẽ phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Tích cực, chủ động phòng ngừa, thông báo, báo động sớm; thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo phương án linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Tuyên truyền kiến thức về động đất, sóng thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO