32 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa trên 10 ha
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM cho biết: Triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù, HĐND TP. HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích đất trồng lúa là 1.843,79 ha. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai đối với những dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa, UBND TP. HCM phải trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, UBND TP. HCM phải phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm hoàn tất (thông thường vào khoảng quý I của năm kế hoạch, sau đó, tổng hợp danh mục dự án có sử dụng lúa trên 10 ha gửi Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến thống nhất rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (thông thường khoảng 6 tháng). Như vậy, sau khi kế hoạch sử dụng đất được duyệt, phải mất thêm 6 tháng mới có thể triển khai các bước ra thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định chuyển mục đích.
32 dự án sử dụng đất trồng lúa trên 10ha tại TP.HCM được thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội |
Trong khi đó, triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, HĐND TP.HCM được Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Vì vậy, UBND TP.HCM có thể chủ động trình Danh mục dự án có sử dụng lúa trên 10 ha cùng thời điểm trình các Danh mục thu hồi đất, dự án sử dụng lúa dưới 10 ha vào kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố (trước năm kế hoạch) trước khi duyệt Kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 9, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngay sau khi kế hoạch sử dụng đất được duyệt, có thể thực hiện các bước thủ tục về đất đai, tiết kiệm được thời gian và đảm bảo việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Theo Sở TN&MT TP. HCM, với cơ chế phân cấp này, đã giúp thành phố chủ động, xem xét việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa và giúp rút ngắn thời gian xem xét việc chấp thuận việc chuyển mục đích và có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt.
Thu phí bảo vệ môi trường 48 tỷ đồng/năm
Trong lĩnh vực môi trường, triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, Sở TN&MT TP.HCM đã đẩy mạnh thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố đã mang lại nguồn thu hơn 48 tỷ đồng/năm. Cụ thể, triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn. Từ ngày 1/7/2018 đến nay, Sở TN&MT TP.HCM giao Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố. Theo thống kê, TP.HCM có 17 khu công nghiệp và 3.035 cơ sở ngoài khu công nghiệp phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho hay: Việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 02 đạt mức thu tăng từ 5 - 6 lần so với thu theo quy định tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP. Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được Sở TN&MT nộp toàn bộ vào ngân sách để có thêm một phần kinh phí cải thiện môi trường, bổ trợ một phần cho công tác duy tu, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và cơ sở hạ tầng của thành phố.
Đồng thời, việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị quyết số 02 đã có tác động đáng kể đến nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải. Nhiều cơ sở sản xuất đã có biện pháp cụ thể nhằm tiết kiệm nước sạch, hạn chế xả thải. Theo khảo sát, có 50% - 70% các doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến quy trình sản xuất thông qua các hoạt động tiết kiệm nước, thay thế đường ống bị rò rỉ, giảm lưu lượng xả thải và giám sát quy trình sản xuất tốt hơn.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định không thực hiện thu phí theo Hệ số K - hệ số lưu lượng xả thải (được quy định tại Nghị quyết số 02) sẽ khiến cho số thu đối với nước thải công nghiệp sẽ giảm còn khoảng 12 - 13 tỷ đồng/năm. Vì vậy, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP. HCM tiếp tục thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 02 đến khi có Nghị quyết mới thay thế.