Theo Sở TN&MT TP.HCM, Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn Thành phố đã xác định “tập trung chỉ đạo và tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý bảo vệ môi trường đối với các cấp chính quyền đảm bảo chủ nguồn thải chấp hành các quy định pháp luật”.
Vì vậy, Sở TN&MT đề nghị giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng địa bàn; đồng thời sử dụng nguồn tiền xử phạt để hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của lực lượng này. Theo quy định hiện hành, Chủ tịch UBND quận huyện có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu thực tế hiện nay, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được kịp thời thì việc phân cấp, ủy quyền như trên là cần thiết.
Đặc biệt, Sở TN&MT kiến nghị cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Theo Nghị định 165/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường thì chỉ có lực lượng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường mới được trang bị, sử dụng thiết bị ghi hình để làm chứng cứ xử phạt hành chính.
Do đặc thù vi phạm về vệ sinh nơi công cộng như tiểu tiện, xả rác xảy ra nhanh, tức thời, trong khi đó lực lượng kiểm tra hiện nay còn thiếu nên khó bắt quả tang vi phạm, rất cần có cơ chế “phạt nguội” thông qua thiết bị ghi hình. Trong khi đó, hiện nay đa phần các địa phương đều có lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh, giao thông trên các địa bàn. Vì vậy, việc cho phép các địa phương tận dụng hệ thống camera này để làm chứng cứ xử phạt hành chính về vệ sinh nơi công cộng là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.
Ngoài ra, theo Sở TN&MT, mặc dù theo quy định hiện nay, hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng chưa đến mức độ bị công khai thông tin, tuy nhiên để việc xử lý vi phạm có hiệu quả thì việc công khai thông tin những cá nhân có hành vi tiểu tiện, xả rác nơi công cộng là cần thiết.
Cũng theo Sở TN&MT TP.HCM, bên cạnh việc xử phạt thì công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng để khắc phục tình trạng vi phạm như hiện nay. Cho nên việc cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tại từng địa phương là cần thiết.