TP.HCM: Ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường kênh, rạch

Thanh Quỳnh| 04/11/2021 10:02

(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn. Trong đó, bên cạnh việc tuyên truyền nhắc nhở người dân trong việc không xả rác xuống kênh, rạch, thành phố còn bố trí lực lượng, phương tiện thu gom, vớt hàng chục tấn rác mỗi ngày.

Thay đổi ý thức người dân

TP.HCM có khoảng 2.000km kênh, rạch có chức năng phục vụ giao thông đường thủy, tiêu thoát nước. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh, rạch đang bị ô nhiễm bởi rác thải; đồng thời lục bình, cỏ dại phát triển đã ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM đã triển khai các giải pháp ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh, rạch. Thành phố đã tổ chức giám sát và quản lý chặt chẽ việc phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ chất thải rắn công nghiệp bừa bãi trên đường phố hoặc kênh, rạch, cũng như tình trạng tái chiếm và làm ô nhiễm hành lang sông, kênh, rạch.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, mỗi ngày, đơn vị vớt khoảng 10 tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc duy trì vớt rác sẽ kịp thời ngăn chặn ô nhiễm, đảm bảo chất lượng nguồn nước kênh rạch, đồng thời góp phần giảm ngập nước và phát triển giao thông, du lịch đường thủy…

Thiết bị vớt rác theo công nghệ mới được thí điểm trên sông Vàm Thuật đã phát huy tác dụng.

Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ TP.HCM về cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, TP.HCM đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc không xả rác xuống kênh, rạch. Đồng thời, các quận, huyện, TP. Thủ Đức  đã triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý các ý kiến của người dân về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch. Thực hiện công tác tổng vệ sinh xung quanh khu vực đang hoạt động, sinh sống và thu gom, vớt rác, khai thông cống rãnh, phát hoang cỏ dại… Đến nay, nhiều địa phương đã xóa các điểm đen về rác, đồng thời tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, hạn chế tình trạng  xả rác xuống sông, kênh, rạch như trước đây.

Ông Lê Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND phường 13 (quận Gò Vấp) cho biết, triển khai Chỉ thị 19, từ năm 2019 đến nay, phường đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh, rạch. Đồng thời, các lực lượng chức năng của phường cùng với người dân đã thực hiện nhiều buổi ra quân chỉnh trang đô thị, tổng vệ sinh môi trường, vớt rác, phát quang bụi rậm dọc các tuyến kênh, rạch.

Sử dụng công nghệ vớt rác mới

Đầu năm 2021, UBND TP.HCM đã ban hành Phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh rạch sử dụng công nghệ mới, trong đó triển khai thí điểm công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông Vàm Thuật. Theo đó, Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở Giao thông Vận tải) được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện với các đơn vị liên quan gồm Công ty CP Công trình Giao thông Sài Gòn, UBND quận Gò Vấp và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Bộ thiết bị vớt rác công nghệ mới do Công ty CP Công trình Giao thông Sài Gòn nghiên cứu sản xuất và nhập khẩu. Bộ thiết bị gồm: 1 tàu vớt rác, 1 tàu ngoạm và băng tải trên tàu băng tải, 2 tàu xúc rác bằng gàu xúc, 1 sà lan 90 tấn đặt gàu ngoạm. Công suất trung bình của bộ thiết bị này có thể vớt trên 40 tấn cho một ca làm việc trong ngày. Đặc biệt, bộ thiết bị này có thể vớt được những loại rác thải lớn trôi nổi trên sông và kênh, rạch.

Ngày 29/10, sau 8 tháng triển khai thí điểm, Trung tâm Quản lý đường thủy đã lập Đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá tình hình thu gom chất thải rắn trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, việc thực hiện phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch sử dụng công nghệ mới đã đạt hiệu quả nhất định. Tuyến sông được làm sạch, giảm tắc nghẽn dòng chảy, hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, mùi hôi do ô nhiễm ứ đọng lâu, tạo môi trường sống trong lành.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy cho biết: Sau một thời gian vận hành, các thiết bị thực hiện cho thấy hiệu quả rất tốt, khối lượng rác vớt được hàng ngày khoảng 35 - 40 tấn/ngày. Sắp tới, Sở Giao thông Vận tải  sẽ có báo cáo và kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận việc tiếp tục triển khai công tác vớt, thu gom chất thải rắn trên sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Đồng thời, kiến nghị thành phố cho phép nghiên cứu mở rộng mô hình này trên một số tuyến kênh, sông khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường kênh, rạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO