Bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo
Theo UBND TP.HCM, động đất rất khó dự báo, từ lúc xuất hiện các dấu hiệu đến khi xảy ra động đất chỉ trong thời gian rất ngắn nên rất khó cho các nhà khoa học để dự báo chính xác thời điểm và vị trí xảy ra động đất. Khả năng dự báo chỉ dựa vào tài liệu thống kê tần suất xảy ra động đất trong lịch sử. Đối với sóng thần gây ra do động đất ở xa, thời gian lan truyền của sóng thần từ khu vực xảy ra động đất tới vùng bờ là thời gian tối đa để vận hành hệ thống cảnh báo và di tản người dân đến nơi an toàn.
“TP.HCM nằm trong vùng động đất thuộc vùng có đứt gãy sông Sài Gòn, thuộc loại đứt gãy có khả năng phát sinh động đất mạnh đến 5,5 độ richter, gây chấn động cấp VII ở khu vực TP.HCM và các vùng lân cận. Mặc dù khả năng xảy ra động đất ở mức nhỏ nhưng chúng ta cũng cần lưu ý sự tác động của dư chấn đến các chung cư cao tầng cũ, các công trình có nền móng yếu, các công trình có chất lượng xây dựng kém sẽ bị ảnh hưởng khi dư chấn mạnh hơn. Đặc biệt có khả năng xảy ra sóng thần như tâm chấn xuất phát từ vùng biển lân cận” - theo tài liệu Đề tài “Nghiên cứu xác định cơ sở khoa học để xây dựng mạng lưới quan trắc động đất khu vực TP.HCM và Nam Bộ” - Nguyễn Đình Xuyên.
Vì vậy, việc ban hành Phương án “Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn TP.HCM” nhằm tập trung xây dựng các tình huống cơ bản và phân công vai trò, nhiệm vụ đối với các Sở, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố trong công tác tuyên truyền, chuẩn bị lực lượng, phương tiện; tổ chức thông tin liên lạc; diễn tập các tình huống; tổ chức sơ tán, di dời dân, đảm bảo hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi xảy ra động đất, sóng thần nhằm chủ động ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.
Trong đó, cần bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có động đất hoặc sóng thần xảy ra. Cơ quan chỉ đạo là Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Cơ quan chỉ huy gồm: Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan. Cấp huyện là Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện; cấp xã là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.
TP.HCM sẽ phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Tích cực, chủ động phòng ngừa, thông báo, báo động sớm; thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo phương án linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.
Trong trường hợp vượt quá khả năng của TP.HCM, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để được chỉ đạo.
Khu vực biển Cần Giờ |
Nâng cao kiến thức cho người dân về động đất, sóng thần
Trong Phương án “Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần”, TP.HCM sẽ tổ chức các lớp chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về động đất, sóng thần, kỹ năng tổ chức ứng phó, triển khai các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó thiên tai động đất, sóng thần. Đồng thời, TP.HCM sẽ tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài phát thanh, đài truyền hình trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông khác.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở TN&MT chủ trì xây dựng và thực hiện tuyên truyền cho mọi người dân kiến thức cần thiết để tự thực hiện, tránh tâm lý hoảng loạn khi có động đất, sóng thần xảy ra. Sở Giáo dục và Đào tạo đưa kiến thức động đất, sóng thần và các hướng dẫn xử lý tình huống khi có động đất, sóng thần xảy ra vào chương trình ngoại khóa cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đồng thời, TP.HCM sẽ thường xuyên tổ chức diễn tập, huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị; diễn tập ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả theo các tình huống giả định; diễn tập các biện pháp bảm đảm an ninh, trật tự xã hội, không để kẻ địch, tội phạm, phần tử xấu lợi dụng tình hình để phá hoại, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và nhân dân khi xảy ra động đất, sóng thần.
Đối với công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra động đất, sóng thần, TP.HCM đưa ra 4 tình huống (động đất cấp VI trở xuống, không có sóng thần; động đất cấp VII trở lên, không có cảnh báo sóng thần; động đất ngoài khơi có cảnh báo sóng thần mức 1 khu vực biển Cần Giờ; động đất ngoài khơi có cảnh báo sóng thần mức 2 đến mức 3 khu vực biển Cần Giờ) để có những hành động cụ thể. Đối với giai đoạn khắc phục hậu quả và hệ sinh thái môi trường, TP.HCM lên kế hoạch triển khai với 2 tình huống: động đất cấp VII trở lên không có sóng thần với chấn tâm trong khu vực TP.HCM; động đất ngoài khơi có xảy ra sóng thần mức 3 khu vực biển Cần Giờ.
Cho đến nay, khu vực TP.HCM chưa có tâm phát ra động đất mà chỉ là vùng bị ảnh hưởng. Cụ thể, vào năm 2005, động đất xuất hiện ở ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 100 - 120km đã gây ra một số dư chấn làm cho các nhà cao tầng của TP.HCM rung nhẹ. Mặc dù không gây ra thiệt hại nhưng đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người dân.