Ảnh minh họa |
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản (BĐS), trải qua 3 đợt bùng phát Covid-19, với sự kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, phân khúc BĐS bán lẻ tại TP.HCM tiếp tục có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy, nguồn cung mới hay việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, những thương hiệu bán lẻ hoạt động trong các lĩnh vực ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các ngành thiết yếu vẫn có kế hoạch mở rộng với những tín hiệu lạc quan. Giá thuê dần phục hồi, nhất là các mặt bằng ở vị trí trung tâm.
Tuy nhiên, đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19 vào tháng 5, một vài mặt bằng thuê dù đã dựng vách thi công cũng chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả mặt bằng do những thay đổi trong chiến lược của các nhà bán lẻ nhằm thích ứng với đại dịch và đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử. Từ đó dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường BĐS bán lẻ.
Nhà phố căn góc tại những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn, còn những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (quận 1), tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít. Có thể thấy, chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm từ 20-40% cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Bà Võ Thị Khánh Trang - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho rằng, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng.
Giá thuê tiếp tục lao dốc khi những khảo sát của Savills gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê; trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20%-40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3-5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng.
Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.
Theo bà Trang, trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Trong dài hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng cao 12% trong năm 2020 so với năm 2019 và kể cả quý 1/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm thành phố cho kế hoạch mở rộng, thâm nhập thị trường Việt Nam bởi thành phố là trung tâm kinh tế, có mức độ đô thị hóa cao, tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, cũng như những kết quả tích cực từ vắc xin Covid-19.
Cũng theo bà Trang, thị trường bán lẻ thương mại cho thuê tại TP.HCM, khu vực ngoài trung tâm bị tác động nhiều hơn khu vực trung tâm. Khu vực trung tâm với mật độ tập trung cao của các tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và các điểm tham quan du lịch chiếm lợi thế trong việc thu hút các khách thuê bán lẻ, thương hiệu cả trong và ngoài nước mở cửa hàng nhờ vào lượng khách tham quan mua sắm ổn định. Do đó, các mặt bằng tại khu vực trung tâm vẫn sẽ được săn đón hơn so với khu vực ngoài trung tâm.