Siêu thị Lotte Mart Gò Vấp đầy hàng hóa trong ngày 9/7 |
Mua sắm online lên ngôi
Chị Tầng, một hộ gia đình bán hải sản ngụ ở khu phố 2, phường 14 (quận Gò Vấp), gốc Quảng Ngãi, có người nhà làm nghề đi biển ngoài quê nên chị có nguồn hàng hải sản tươi, do đó mùa dịch này chị bỏ công việc văn phòng và chuyển sang phân phối mặt hàng hải sản. Ngoài phân phối trong khu phố 2, chị còn bán cho khách hàng ở phường 13, phường 14 (quận Gò Vấp). Thông thường, cứ hai ngày là có một đợt hàng từ miền Trung vào. Tuy nhiên, thời gian giãn cách vừa qua, do phương tiện giao thông lưu thông khó khăn giữa các địa phương nên trong một tuần, nhiều lắm chị chỉ vào được 2 đợt hàng.
Lần này, TP.HCM giãn cách xã hội mức độ cao hơn nên người dân ồ ạt mua thức ăn, thực phẩm nhiều hơn, vì vậy chỉ trong ngày 8/7, tất cả số hải sản vừa được gửi vào, cộng với 3 tủ cấp đông chứa đầy hải sản đông lạnh đã hết veo. Chị đang tiếp tục vào hàng với số lượng nhiều gấp mấy lần, vừa để tích trữ bán dần vừa để trả nợ các đơn hàng cho khách hàng đặt trước. “Hết tuần này tôi sẽ tạm nghỉ, không vào hàng nữa. Một phần do khâu vận chuyển khó khăn, một phần khách hàng đã tích trữ nhiều nên nhu cầu sẽ không cao. Với lại tôi cũng đã trữ sẵn mấy tủ đông cũng đủ để bán dần dần”, chị Tầng nói.
Trong khi đó, chị Ngọc - cư dân chung cư Dreamhome Residence (phường 14, quận Gò Vấp), ngày thường bán đồ ăn sáng, mấy đợt dịch vừa qua chuyển hẳn sang bán thức ăn nấu sẵn và rau, củ, hải sản và mắm có nguồn gốc từ Thừa Thiên - Huế chuyển vô. Do có mối từ nhiều năm, nên nguồn thực phẩm, mắm muối từ miền Trung gửi vô rất phong phú và giá cả phải chăng. Qua Zalo, cư dân chung cư đặt hàng, hàng ngày chị Ngọc mang thức ăn và thực phẩm lên các căn hộ, móc ngoài cửa. Sau đó, các hộ gia đình chuyển khoản cho chị Ngọc. Việc giao dịch rất gọn gàng và tương đối an toàn trong mùa dịch.
Chị Ngọc tâm sự: “Mùa dịch mọi người rất khó khăn, nhiều việc làm bị mất, cả nhà thất thu. Tôi may mắn có thêm nghề bán hàng online, cũng đủ chi tiêu trong nhà. Tôi cũng được tiêm vắc xin trong những ngày qua, nên cũng an tâm hơn khi giao hàng cho các hộ gia đình trong chung cư”.
Theo ghi nhận, những ngày này, thông qua các thiết bị điện tử, người dân TP.HCM đã thường xuyên chọn các mặt hàng mình cần mua trên các trang bán hàng điện tử, rồi thanh toán online hoặc thanh toán sau khi nhận hàng. Nhanh là ngày hôm sau, chậm là từ 2 đến 3 ngày (do nhu cầu mua sắm online đang tăng cao), đội ngũ shipper sẽ giao hàng tận nơi cho khách hàng.
Chị Ngọc soạn rau, củ để chuẩn bị giao cho cư dân ở chung cư mùa dịch |
Không để dân thiếu thực phẩm
Những ngày qua, sau khi TPHCM thực hiện đóng cửa các chợ tự phát để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 thì lượng khách chuyển hướng mua sắm tại các siêu thị, mua online tăng đột biến. Theo thống kê sơ bộ của hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ tại TP.HCM, lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp tại siêu thị và cửa hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng đơn đặt hàng online tại VinMart đã tăng trên 50%. Đối với mặt hàng thịt heo, sức mua đã tăng từ 2 đến 3 lần tại các điểm bán khác nhau tại các điểm bán khác nhau của VinMart và VinMart+.
Ngoài thịt heo, người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn khác như các loại thịt gà và các sản phẩm tươi sống, VinMart và VinMart+ vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường. Người tiêu dùng có thể mua sắm thông qua các hình thức như: ứng dụng VinID, gọi điện trực tiếp tới số điện thoại siêu thị gần nhất và trên nền tảng website VinMart.com, sàn thương mại điện tử lazada.vn.
Tương tự, hệ thống chuỗi siêu thị Big C, Go!, Tops Market cũng khuyến khích khách hàng ở TP.HCM trong tình hình hiện nay nên mua sắm online, mua sắm trực tuyến hoặc gọi điện đặt hàng thay vì đến mua sắm trực tiếp tại siêu thị. Khi quá nhiều người đến siêu thị, việc giãn cách khi mua sắm không được đảm bảo.
Theo Sở Công thương TP.HCM, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh dịch vụ bán hàng online để giảm tiếp xúc, tụ tập đồng người, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Sở này cũng đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh, thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo từ Bộ Công thương. Hàng hóa hiện nay đầy đủ, các doanh nghiệp đều có phương án dự phòng, các mặt hàng không khan hiếm, không tăng giá. Hàng hóa thiết yếu tại TP không thiếu trong những ngày tới
Còn Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) cũng khẳng định đã bổ sung 7.000 mặt hàng thiết yếu và có 12 nhóm mặt hàng bảo đảm cung cấp cho người dân TP từ 1 đến 3 tháng với giá không đổi. Một số mặt hàng khác bảo đảm được cung cấp ít nhất 6 tháng nữa. Hệ thống Saigon Co.op cũng sẽ tăng cường phục vụ người dân từ 6 giờ sáng cho đến khi hết khách, có thể kéo dài đến 24 giờ mỗi ngày. Ngoài việc trực tiếp mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, khách hàng có thể lựa chọn đặt hàng trực tuyến qua địa chỉ www.cooponline.vn.
TP.HCM cũng vừa công bố các điểm bán các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay…) ở các quận huyện. Toàn TP có 2.833 điểm, trong đó có 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi. Hầu hết các địa phương đều có đủ 3 loại hình này, trừ một số quận tạm thời ngưng hoạt động các chợ truyền thống, chợ tự phát hoặc trên địa bàn không có siêu thị. Chẳng hạn, ở Quận 1 có 135 điểm bán, gồm: 1 chợ, 4 siêu thị và 130 cửa hàng tiện lợi; Quận 3 có 74 điểm, với 4 siêu thị và 70 cửa hàng; TP. Thủ Đức có 488 điểm với 23 chợ, 21 siêu thị và 444 cửa hàng…