Xã hội

Ngày mai tươi sáng trên những thửa ruộng bậc thang biên giới Kỳ Sơn

Phạm Tuân 25/09/2024 - 17:11

Những chiến dịch khai hoang, vỡ đất để sản xuất đã giúp đảm bảo lương thực cho người dân, ổn định an ninh chính trị, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đó là những thay đổi lớn trong tư duy sản xuất sau khi khai hoang những ruộng bậc thang để gieo cấy lúa nước, giảm dần diện tích lúa nương rẫy nơi huyện biên giới Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An.

“Đột phá” tư duy

Kỳ Sơn là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của tỉnh Nghệ An sau huyện Tương Dương với 2.094,84 km2, nhưng diện tích đất bằng chỉ vỏn vẹn 1%, còn lại là đồi núi dốc hiểm trở, việc sản xuất lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân trước đây chủ yếu dựa vào chặt phá những cánh rừng để sản xuất nương rẫy.

1.jpg
Người dân bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê máy xúc làm ruộng lúa nước.

Có mặt tại cánh đồng lúa của bản Noọng Dẻ và bản Pà Ca của xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), nhiều đám ruộng bậc thang còn in màu đất mới, xung quanh được rào cẩn thận bằng cây rừng và dây thép gai, chạy men theo lối mòn là đường ống dẫn nước kéo dài từ cánh rừng xuống.

Được biết, là một Bí thư chị bộ nên ông Ven Văn Vinh - Bí thư Chi bộ bản Pà Ca, là 1 trong 6 hộ trong bản vừa khai hoang được ruộng nước, phấn khởi cho biết: Cùng với nhiều hộ trong bản, năm 2021, gia đình thuê máy múc khai hoang được 4.000m2 ruộng bậc thang với kinh phí hết 35 triệu đồng. Để có nước gieo cấy lúa, gia đình mua hàng trăm mét ống nước hết 10 triệu đồng nữa để dẫn nguồn nước từ đầu nguồn về tận chân ruộng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình gieo cấy 2 vụ lúa thuận lợi. Vụ vừa rồi gia đình thu về 30 bao lúa, ước khoảng 1,2 tấn. Ngần ấy lúa không những đủ lương thực cho cả gia đình ăn quanh năm mà còn sử dụng để chế biến thức ăn cho đàn vật nuôi.

6.jpg
Người dân vùng cao Kỳ Sơn ngày càng thuận thục với canh tác lúa nước.

Cũng theo ông Vinh, trước đây làm lúa nương rẫy phải trèo qua nhiều ngọn núi, rất vất vả, nhưng hạt lúa thu về không được nhiều, vì phụ thuộc vào thiên nhiên. Từ khi khai hoang được lúa nước, cả nhà đảm bảo lương thực, mà còn đẩy mạnh chăn nuôi.

Được biết, trong năm 2021, trong bản có 6 hộ đã khai hoang được 19.000m2 ruộng nước. Do được đầu tư đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về tận ruộng, nên ruộng lúc nào cũng đủ nước, lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, nhất là những giống lúa lai mới.

7.jpg
5.jpg
Người dân tập trung làm thủy lọi lấy nước vào ruộng lúa để canh tác một vụ mới.

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, trong vài năm qua, người dân trên địa bàn xã đã chuyển dần từ sản xuất lúa nương rẫy sang khai hoang phục hóa, làm ruộng bậc thang trồng lúa nước. Theo đó, người dân các bản trong xã chủ động thuê máy múc đến các vùng đất ven các dòng khe, suối để san gạt, tạo thành những đám ruộng bậc thang, gieo cấy lúa nước 2 vụ/năm. Qua con số báo cáo của các bản cho thấy, từ năm 2020 đến nay toàn xã đã có gần 50 hộ khai hoang, mở rộng diện tích đất lúa nước, với diện tích hơn 10ha, đưa tổng diện tích lúa nước của xã từ 15ha lên 25ha. Trong đó có nhiều hộ khai hoang được từ 4.000 – 6.000m2 ruộng.

Tại xã Hữu Kiệm, đồng bào các dân tộc nơi đây trong những năm gần đây cũng khai hoang được khá nhiều ruộng nước. Nhiều hộ dân từ chỗ chưa biết làm lúa nước, nhờ khai hoang đã quen với việc gieo cấy lúa.

8.jpg
Nhiều người dân vùng cao đã tự túc được lượng thực nhờ phát triển lúa nước.

Ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Mấy năm gần đây người dân nhiều bản trên địa bàn xã đã đầu tư thuê máy múc vào khai hoang ruộng nước dọc các khe suối. Đáng nói là trong số đó có những hộ là dân tộc Khơ Mú từ chỗ không biết cách ủ, gieo mạ, cấy lúa… như thế nào, nhưng sau khi có sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, nay đã làm quen việc canh tác lúa nước, mỗi vụ thu về hàng chục bao lúa từ khai hoang ruộng nước. Nhờ bà con khai hoang ruộng, nên diện tích lúa nước của địa phương tăng từ 23ha lên 30ha trong 2 năm nay. Cùng với đó là diện tích lúa nương giảm hẳn, nhiều diện tích lúa nương của bà con trước đây nay đã phát triển thành rừng tự nhiên.

Đã không còn phá rừng làm rẫy...

Bản Huổi Thum, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn là bản có 2 dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Nơi đây trước đó bà con chỉ quen với tập tục phá rừng đốt nương làm rẫy, diện tích lúa nước rất ít và cũng chỉ giao cấy được 1 vụ.

Từ năm 2019 trở lại đây, tại bản Huổi Thum đã hình thành những thửa ruộng bậc thang, canh tác 2 vụ lúa nước. Đây được coi như một bước “chuyển mình” mang tính “đột phá” trong nhận thức của đồng bào.

Đổi thay này có công rất lớn của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi. Đơn vị đã “đi đầu”, khai hoang hơn 3.550 m2 làm mô hình cho bà con được “tai nghe, mắt thấy”. Sau thành công của Đồn Biên phòng, bà con đã nô nức làm theo. Ông Bùi Văn Tuấn là người tiên phong “mở đất” ở Huồi Thum. Ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu hoạch được cả tấn lúa.

4.jpg
3.jpg
2.jpg
Những thửa ruộng được người dân khai hoang ở dọc theo các khe suối.

Ông chia sẻ: “Làm nương rẫy thì phải leo dốc, sản xuất dựa vào thiên nhiên, rất vất vả. Từ mấy năm nay, có sự hướng dẫn của Đồn Biên phòng, nhà ta đã biết khai hoang, làm ruộng nước. Nay thì không lo đói, hết nghèo rồi”.

Tại xã Na Loi, có trên 91ha đất ruộng được khai hoang, trong đó có đến 60ha được bà con nông dân xuống giống lúa tẻ thơm truyền thống - giống lúa đặc sản của huyện vùng cao Kỳ Sơn. Điểm nổi trội của giống lúa này có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo, khi nấu có mùi thơm đặc trưng. Mặc dù năng suất chỉ đạt 3 - 3,5 tấn/ha, tuy nhiên, đây là loại gạo có giá bán rất cao, dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha trồng lúa tẻ thơm cho thu nhập vài chục triệu đồng.

Gia đình ông Kha Văn Quang là một trong những hộ dân đang lưu giữ và gieo cấy giống lúa này. Ông cho biết: “Gia đình có hơn 1,5ha đất ruộng, trong đó hơn nửa diện tích được gieo cấy giống lúa tẻ thơm của địa phương, vừa để làm nguồn lương thực cho gia đình, vừa để lưu giữ nguồn giống lúa quý truyền thống này”.

10.jpg
Những nương lúa rẫy ít dần ở huyện vùng cao Kỳ Sơn.

Gia đình anh Vi Văn Tuấn ở bản Na Khướng, cũng dành một phần diện tích khai hoang để trồng lúa tẻ thơm. “Làm ruộng ở đây không cần phân bón nhiều, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đâu, nhất là với giống lúa tẻ thơm. Tuy năng suất của lúa tẻ thơm so với lúa khác hơi thấp, nhưng người dân xã ta vẫn duy trì sản xuất giống lúa này để bảo tồn giống. Và bù lại, giá bán loại gạo này rất cao”, anh Tuấn cho biết.

Để bảo tồn và phát triển giống lúa quý này, từ vụ mùa năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã phối hợp với xã Na Loi triển khai mô hình cải tạo, khôi phục lại giống lúa tẻ thơm, lựa chọn được giống gốc, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà.

Rất tâm huyết với đề án bảo tồn và phát triển giống lúa quý của quê nhà, bà Pịt Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi, háo hức: “Ngoài việc cải tạo, khôi phục, tăng năng suất cho giống lúa này, xã đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu lúa tẻ thơm Na Loi để phát huy lợi thế cạnh tranh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân”.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, từ năm 2020 đến nay, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực khai hoang làm lúa nước, vì vậy diện tích đất 2 lúa ngày càng nhiều hơn. Trước năm 2000, diện tích trồng lúa nước của huyện biên giới này chỉ có 190 ha. Năm 2020 toàn huyện có 740ha ruộng nước và đến nay đã nâng lên hơn 800ha. Trong khi đó, lúa nương rẫy giảm từ 7.353ha (năm 2020), xuống còn 5.900ha (năm 2021) đến nay đã giảm xuống còn dưới 5.000ha.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho rằng, nguyên nhân lúa nương rẫy giảm trong những năm qua, một phần do lao động trẻ đi làm ăn xa, nên người già và trẻ em ít làm lúa nương; một phần do người dân khai hoang ruộng nước sản xuất 2 vụ lúa/năm cho năng suất cao, nên bỏ dần lúa nương. Đây cũng là chủ trương của huyện trong việc tuyên truyền, vận động người dân khai hoang ruộng nước, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế tình trạng phá rừng.

9.jpg
Cảnh phá rừng để làm rẫy giảm dần theo thời gian.

Việc người vùng cao đầu tư khai hoang ruộng nước là cần thiết, bởi giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, để khai hoang được hàng nghìn m2 ruộng nước, bà con phải thuê máy vào san ủi, đắp bờ… cùng đó là đầu tư đường ống dẫn nước từ đầu nguồn đến chân ruộng, hết hàng chục triệu đồng. Do vậy, theo kiến nghị của bà con, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho bà con tiếp tục khai hoang.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho rằng, trước mắt huyện chưa có chính sách hỗ trợ cho người dân. Hiện, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được thực hiện nên huyện sẽ bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân tiếp tục khai hoang ruộng lúa nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày mai tươi sáng trên những thửa ruộng bậc thang biên giới Kỳ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO