Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM là đô thị đặc biệt với dân số sinh sống thực tế trên 10 triệu người, mỗi ngày phát sinh gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt... gây lên nhiều sức ép về cơ sở hạ tầng, khiến tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng trong bối cảnh những tác động của BĐKH ngày càng phức tạp. Trong những năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp, đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để BVMT và ứng phó với BĐKH.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, công tác BVMT và ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố chỉ đạt được hiệu quả thực sự khi có sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội. Muốn vậy thì công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH phải được chú trọng và quan tâm thực hiện.
Vì vậy, ngày 12/12/2017, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 6423/QĐ- UBND về ban hành Kế hoạch triển khai công tác truyền thông về BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017 - 2020, nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị - xã hội vào cuộc trong công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về BVMT. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng cùng góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, sạch đẹp. Đặc biệt, ngày 29/10/2018, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 19 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp về BVMT và ứng phó với BĐKH của Thành phố, Sở TN&MT luôn xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cho người dân hiểu và biết cách chấp hành các quy định về BVMT, giữ gìn vệ sinh môi trường là công việc rất quan trọng. Đây chính là một yếu tố quan trọng để công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả. Vì vậy, từ nhiều năm trước, Sở TN&MT đã triển khai hàng loạt chương trình tuyên truyền đối với nhiều đối tượng dân cư, đem lại những kết quả bước đầu về việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.
Đặc biệt, triển khai Quyết định số 6423/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, công tác tuyên truyền về BVMT và ứng phó với BĐKH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt. Theo đó, trên cơ sở Kế hoạch UBND Thành phố, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể, UBND các quận - huyện tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về BVMT và ứng phó BĐKH cho các cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bán lẻ trên địa bàn thành phố.
Hàng loạt các giải pháp được Sở TN&MT chủ trì thực hiện, như: Xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông và lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt; biên soạn và phát hành các tài liệu tuyên truyền; tuyên truyền giảm sử dụng túi ni-lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cộng đồng dân cư; tuyên truyền giáo dục về kiến thức và kỹ năng BVMT cho học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn thành phố; tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về BVMT và ứng phó BĐKH thông qua các phong trào, hội thi, chiến dịch ra quân về môi trường cũng như tập huấn, họp tổ dân phố.
Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tuyên truyền hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, TP.HCM đã có nhiều hình thức khen thưởng nhằm tuyên dương và khuyến khích nhân rộng các điển hình BVMT, đồng thời tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm quy định về BVMT...
Vì vậy, đến nay 90,7 % người dân thành phố được tiếp cận thông tin về BVMT; 95,7% học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn thành phố được giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường. Ngoài ra, 85,7% người dân thành phố đã được tiếp cận thông tin tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng và thải bỏ bừa bãi túi ni-lông khó phân hủy; 83,4% các tổ chức, cá nhân bán lẻ được tiếp cận thông tin tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng và thải bỏ bừa bãi túi ni-lông khó phân hủy; 77% người dân áp dụng các hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, 85,7 hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích nghi, sống chung với BĐKH; 76,5% cộng đồng dân cư tại các xã - phường thuộc vùng dễ bị tổn thương, thường xuyên bị thiên tai và ảnh hưởng của BĐKH có hiểu biết cơ bản về BĐKH, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai….
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam (Bộ TN&MT) cho biết: Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, hình thành thói quen BVMT cho cộng đồng là công tác khó, đòi hỏi một quá trình lâu dài và cần được chính quyền địa phương các cấp đầu tư nghiêm túc, thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Trong đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phải được ưu tiên, chú trọng. Tuyên truyền phải đi vào “trái tim” chứ không phải những khẩu hiệu chung chung.
Đồng thời, với công tác tuyên truyền vận động, chính quyền các cấp cần đảm bảo vệ mặt hạ tầng kỹ thuật, tăng cường các tiện ích về vệ sinh môi trường, tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư thực hiện tốt việc giao rác đúng giờ, thải bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư - thu gom rác đúng giờ, bố trí thùng rác và nhà vệ sinh công cộng hợp lý...