TP. Hà Nội: Tăng cường phòng chống rác thải nhựa trong tiêu dùng

Lưu Nguyên Sơn| 05/11/2020 23:19

(TN&MT) - “Hiện nay, 140/170 siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội không sử dụng túi nilon khó phân hủy” - Đây là một trong những kết quả nổi bật vừa được Sở Công thương Hà Nội công bố.

Sở Công thương Hà Nội vừa có báo cáo kết quả công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Báo cáo đã cho thấy nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và đề ra định hướng thực hiện trong thời gian tới.

Nhiều cơ quan, đoàn thể vào cuộc

Theo báo cáo của Sở Công thương, nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon, các Sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng nói riêng. Cụ thể, từ đầu năm 2020 các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã trên địa bàn Thành phố đã triển khai việc không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy trong quá trình hoạt động tại công sở, tổ chức họp, hội nghị, hội thảo,....

Sở Tài chính không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.

Hội viên Chi hội phụ nữ số 5, phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) bên những sản phẩm làm từ vật liệu nhựa bỏ đi. Ảnh: Thu Ngà

Nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể thuộc Thành phố Hà Nội đã triển khai một số Chương trình nhằm hạn chế phát thải túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã chỉ đạo, triển khai nâng cao chất lượng các mô hình và hoạt động vận động Hội Phụ nữ các cấp bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa như: Mô hình “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ” tại các chợ trên địa bàn 10 quận, huyện; Mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi nilon” tại các ngành hàng khô của một số chợ trên địa bàn Thành phố; Mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện” triển khai tại 148 cơ sở thuộc 9 quận, huyện nhằm gây quỹ ủng hộ giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, một số quận, huyện thực hiện thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm sinh thái an toàn tại các trường Tiểu học và mầm non; thí điểm mô hình “Không gian xanh - Cacbon thấp” tại một số quận, huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng các sân chơi cho trẻ em với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa, túi nilon, lốp xe và các sản phẩm khác từ chính các hộ gia đình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu rác thải nhựa; Vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

140/170 siêu thị không sử dụng túi nilon khó phân hủy

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn Thành phố, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đã tích cực hưởng ứng, triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Đến nay, có 140/170 siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố không sử dụng túi nilon khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng; đạt 83% mức độ hoàn thành chỉ tiêu Thành phố giao. Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: khay, hộp, đĩa, tô được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên.

Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce triển khai loạt giải pháp tổng thể 3 XANH “Vinmart xanh, khách hàng xanh và nhà cung cấp xanh”. Ảnh: Internet

Ngày 19/12/2019, Sở Công Thương đã phối hợp Công ty TNHH Aeon Việt Nam tổ chức khởi động và triển khai “Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa dùng 01 lần tại thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc” đối với hệ thống Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON; Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa, tiếp nối chuỗi các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần của Aeon Việt Nam nói riêng và của các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung.Nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã áp dụng các chương trình khuyến mãi tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi ni lông trong khi đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Điển hình như Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (Thuộc tập đoàn MaSan) đã triển khai loạt giải pháp tổng thể 3 XANH “Vinmart xanh, khách hàng xanh và nhà cung cấp xanh” tại 2200 điểm bán lẻ Vinmart và Vinmart+ trên cả nước, 850 điểm bán lẻ trên địa bàn Thành phố: Vinmart đã đồng loạt giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành của mình.

Sở Công thương cũng cho biết, công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon tại hệ thống chợ được UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ đưa vào nhiệm vụ trọng tâm với nhiều hoạt động thiết thực nhằm thay đổi nhận thức của bà con tiểu thương và thói quen của người dân góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trong mua sắm, tiêu dùng tại các chợ.

Một số đơn vị sản xuất đã sở hữu công nghệ và đã từng bước chuyển đổi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường từ nhựa phế thải hoặc các sản phẩm có khả năng tự hủy sinh học như Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung, Công ty CP Công nghệ Xenlulo, Tập đoàn An Phát Holdings. Sản phẩm của các đơn vị đã được các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn đặt hàng đưa vào sử dụng.

Đẩy mạnh thu gom, phân loại chất thải tại nguồn

Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thuế, vay vốn cho doanh nghiệp để sản xuất chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tiêu dùng chuyển đổi từ túi nilon khó phân hủy sử dụng1 lần sang túi nilon dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.    

Đồng thời, do yêu cầu túi nilon thân thiện với môi trường trước khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận thì nhà sản xuất phải có chứng nhận kiểm nghiệm về khả năng tự phân hủy tại một số nước với tiêu chuẩn kiểm nghiệm rất khắt khe trong khi tại Việt Nam chưa có đơn vị nào được cấp phép kiểm nghiệm dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi sản xuất các loại túi nilon thân thiện với môi trường…

Phân loại rác tại nguồn để tái chế và sử dụng lại là giải pháp hữu hiệu trong phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh minh họa

Để đẩy mạnh công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố, Sở Công thương cho rằng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội và các đơn vị liên quan xây dựng phong trào liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng cư dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Đối với các đơn vị phân phối tiêu dùng như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cần nghiêm túc triển khai việc thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; thực hiện cam kết phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa đã ký kết; hạn chế sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp và sử dụng túi nilon khó phân hủy trong kinh doanh; Kết hợp với các nhà cung cấp dần thay thế các sản phẩm bao gói, bao bì, màng bọc thân thiện với môi trường khi cung cấp vào siêu thị, cửa hàng.

Đồng thời, gắn kết chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối từ khâu sản xuất cho đến tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn Thành phố. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa các sản phẩm vào danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố... Phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các đơn vị liên quan xây dựng Liên minh tiêu dùng bán lẻ giảm thiểu sử dụng túi nilon sử dụng một lần trong mua sắm tại các siêu thị.  

Việc luật hóa nghĩa vụ của các doanh nghiệp sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà họ sản xuất cũng là một trong những biện pháp đã được thế giới áp dụng hiệu quả để hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hà Nội: Tăng cường phòng chống rác thải nhựa trong tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO