Nhiều kết quả tích cực
Trong thời gian qua, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể trên địa bàn TP. Cần Thơ đã tập trung triển khai các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, nói không với rác thải nhựa đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên, học sinh, cộng đồng dân cư. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải.
Là đơn vị chủ trì và triển khai các hoạt động phân loại rác thải, phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nhựa; đồng thời, xử lý kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải.
Sở TN&MT TP. Cần Thơ vừa cùng Tổ chức JICA tại Việt Nam khởi động thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở quận Ninh Kiều |
Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nói không với chất thải nhựa; tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến các giải pháp giảm dần rác thải nhựa, hướng tới sản xuất, tiêu dùng bền vững; tổ chức thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư.
Thực hiện công tác liên tịch với Sở TN&MT, từ năm 2018 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động thu gom, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng sản phẩm làm từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy; đồng thời, hướng dẫn cụ thể các hội viên cách thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày; tổ chức ra quân tổng vệ sinh các tuyến đường, hẻm.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cần Thơ còn triển khai nhân rộng các mô hình “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); mô hình “phụ nữ chung tay vì môi trường xanh” ra các cụm, tuyến dân cư; vận động hội viên phụ nữ cam kết thay đổi thói quen bằng việc phân loại rác thải ngay tại nhà, trang bị thùng đựng rác; sử dụng giỏ nhựa đi chợ; hạn chế sử dụng túi ni lông trong mua bán, trao đổi hàng hóa.
Các địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”. Ông Nguyễn Thái Bảo - Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) cho biết, trong thời gian qua, UBND quận Ninh Kiều đã quyết liệt chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể và UBND phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tổ chức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND quận Ninh Kiều, sự vào cuộc của các Ban, ngành, đoàn thể và UBND 13 phường đã giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác trước khi đưa đến khu vực tập kết, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP. Cần Thơ văn minh, xanh - sạch - đẹp” - ông Nguyễn Thái Bảo nhấn mạnh.
Sẽ chọn mô hình hay
Bà Cao Thị Minh Thảo - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho rằng, để các hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, nói không với chất thải nhựa trên địa bàn thành phố tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, Sở TN&MT hiện đang cùng với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, hướng dẫn người dân địa phương thay đổi thói quen phân loại rác; triển khai các mô hình phân loại rác; đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện người dân trên địa bàn TP. Cần Thơ đã phân loại rác sinh hoạt và mang bỏ rác đúng nơi quy định |
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa TP. Cần Thơ với Tổ chức JICA tại Việt Nam về khảo sát thu thập dữ liệu về giảm thiểu chất thải và đốt rác thu hồi năng lượng, mới đây, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã cùng với Tổ chức JICA tổ chức khởi động thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Theo bà Cao Thị Minh Thảo, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện thí điểm tại 3 phường, gồm: An Cư, Tân An và Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Sau chương trình khởi động, Sở TN&MT TP. Cần Thơ và Tổ chức JICA sẽ hướng dẫn, thông tin cho người dân về yêu cầu phân loại rác (rác đốt được, rác tái chế, rác không đốt được); đồng thời, phổ biến phương thức kiểm tra giám sát để duy trì và cải thiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở các phường được chọn thí điểm.
Bà Nguyễn Ngọc Báu - Bí thư - Trưởng Khu vực 2, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn phường Cái Khế cũng đã phân loại rác thải phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Song, việc phân loại rác có từng lúc, từng thời điểm chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn.
Cũng theo bà Báu, vừa qua, phường Cái Khế là một trong 3 phường thuộc quận Ninh Kiều được Sở TN&MT TP. Cần Thơ và Tổ chức JICA chọn làm điểm triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn. “Để góp phần cho sự thành công của mô hình này, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng cho người dân về ý nghĩa của việc phân loại rác; vận động từng hộ gia đình nghiêm chỉnh thực hiện phân loại rác theo yêu cầu” - bà Báu chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Phúc Như - Phó Giám đốc Công ty CP Đô thị TP. Cần Thơ cho hay, là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác thu gom rác thải sau phân loại tại các phường triển khai thí điểm. Vì vậy, Công ty mong muốn các hộ gia đình phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng hướng dẫn, giao rác đúng giờ, để rác đúng nơi quy định, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý rác, bảo vệ môi trường.
Bà Cao Thị Minh Thảo cũng cho biết, sau khoảng 3 tháng triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn, các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ đánh giá mặt ưu điểm và nhược điểm của mô hình này để từ đó đi đến thống nhất lựa chọn mô hình phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại TP. Cần Thơ trong thời gian tới.