Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:Thay đổi là xu hướng tất yếu cho tăng trưởng tương lai
(TN&MT) – Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh, thay đổi là xu thế tất yếu cho sự tăng trưởng trong tương lai khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng và tốc độ sẽ ngày càng nhanh hơn trong tương lai. Chúng ta phải thích nghi với thay đổi và tìm cách vượt qua khó khăn bởi thay đổi cũng mang đến nhiều cơ hội cho những ai sẵn sàng nắm bắt.
Theo ông Tim Evans, thế giới đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết bởi hai yếu tố then chốt. Thứ nhất là sự tiến bộ về công nghệ, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, máy học và khoa học người máy cùng với đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của mọi người, mọi ngành nghề và thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.
Một yếu tố then chốt nữa đang ảnh hưởng đến thế giới chính là biến đổi khí hậu. Tình trạng trái đất nóng lên, thiên tai và các cơn bão với sức tàn phá lớn là những minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu là một vấn đề sát sườn - một nguy cơ sống còn đối với thế giới với hậu quả vô cùng sâu rộng.
Bên cạnh đó, CEO HSBC Việt Nam cũng cho rằng, biến đổi khí hậu, dù là một thách thức nặng nề Việt Nam đang phải đối mặt, lại đồng thời là một cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như khối doanh nghiệp của Việt Nam. Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn nhờ điều kiện thuận lợi cũng như cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050 của Chính phủ.
Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mang lại cơ hội thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo vốn đang phát triển. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.
Chuyển đổi xanh mang đến nhiều cơ hội lớn cho các tổ chức sẵn sàng đổi mới sáng tạo, thích nghi và dẫn đầu xu thế trong sáng tạo giải pháp giúp mang đến một tương lai bền vững hơn cho nhiều thế hệ sau này.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam
Bền vững từng là “sân chơi” của các doanh nghiệp FDI bởi họ có xu hướng tuân theo chính sách và chiến lược của công ty mẹ ở những quốc gia khác nơi xu hướng ESG phát triển hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên. Theo khảo sát của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện.
Mặt khác, những doanh nghiệp không tiến hành giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm lòng tin ở những bên liên quan như người lao động, nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Và bản thân doanh nghiệp của họ cũng không được bảo vệ vững vàng trước những rủi ro khí hậu trong tương lai.
Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 (gần 6,8% GDP hàng năm) để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khi vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho lĩnh vực này chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD.
Ông Tim Evans đánh giá, cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ, ở đó, tài chính đóng một vai trò thiết yếu. Do đó, ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.