Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Kịp thời giám sát, đánh giá ảnh hưởng tới môi trường vụ tàu chìm tại Mũi Né

Minh Thư| 30/03/2021 12:54

(TN&MT) - Ngay khi nhận được thông tin xảy ra sự cố Tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981, chở 1.500 tấn bụi than (tro bay) từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, bất ngờ bị lật ngang, chìm tại khu vực Mũi Né, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chỉ đạo Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên hệ trực tiếp với Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận để nắm bắt thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá ảnh hưởng, tác động đến môi trường biển.

 

Tàu vận tải Bạch Đằng bị chìm trong vùng biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Như đã biết, tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981 trọng tải 2.500 tấn, gồm 07 thuyền viên xuất phát từ huyện Tuy Phong, Bình Thuận đi Cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai; xuất bến lúc 10 giờ 00' ngày 14 tháng 3 năm 2021. Khi hành trình đến khu vực biển bãi sau vịnh Mũi Né cách bờ khoảng 0,5 hải lý (khoảng 18 giờ 40') thì bị lật ngàng và chìm. Tại thời điểm tàu bị chìm trên tàu còn khoảng 2.200 lít dầu DO đã được khóa kín. Toàn bộ tro bay được chứa vào thùng chứa chuyên dùng, đảm bảo độ kín, an toàn. Sau khi tàu bị chìm, toàn bộ 07 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn, không có thiệt hại về người.

Đoàn công tác của Tổng cục Biển và hảo đảo Việt Nam  đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, Đại diện Đồn Biên phòng Mũi Né, Viện Công nghệ Môi trường tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá ảnh hưởng, tác động đến môi trường của sự cố chìm tàu nêu trên. Kết quả cho thấy: Ngày 20 và 21 tháng 3 năm 2021, Chủ tàu Bạch Đằng và đơn vị thi công đã tiến hành hút dầu ra khỏi tàu đảm bảo các biện pháp an toàn về môi trường trong toàn bộ quá trình thi công dưới sự giám sát của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, UBND thành phố Phan Thiết, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, dầu đã được rút ra khỏi tàu, hiện Chủ tàu đang phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận để lên phương án trục vớt tàu.

Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát dọc bờ biển và tại vị trí tàu chìm trên biển, qua quan sát trực quan không thấy có hiện tượng dầu loang trên mặt biển, khu vực bờ biển bình thường không có dấu hiệu dầu tràn vào bờ. Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước biển và trầm tích biển tại các điểm trên vùng biển xung quanh tàu Bạch Đằng SG - 8981 bị chìm. Viện Công nghệ Môi trường đã tiến hành đo nhanh một số thông số tại hiện trường và lấy mẫu nước biển, mẫu trầm tích để phân tích, đánh giá. Kết quả bước đầu cho thấy giá trị một số thông số quan trắc hiện trường nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT).

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Chủ tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981 khẩn trương trục vớt tàu. Hiện nay, các Sở, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng tàu bị nạn, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, sẵn sàng phương tiện, thiết bị để ứng phó sự cố kịp thời trong quá trình trục với tàu.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận và các đơn vị có liên quan để theo dõi, giám sát việc trục vớt tàu Bạch Đằng SG-8981 đảm bảo an toàn, không gây ra tác động tiêu cực đến môi trường biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Kịp thời giám sát, đánh giá ảnh hưởng tới môi trường vụ tàu chìm tại Mũi Né
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO