Tìm giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu: Chất lượng nước - cải thiện chưa nhiều

Tống Minh| 10/12/2020 10:12

(TN&MT) - Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu (Đề án sông Cầu) giai đoạn 2006 - 2020, dưới sự điều hành, chỉ đạo của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông (LVS) Cầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường LVS liên vùng, liên tỉnh.

Tập trung xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt

Trong gần 14 năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT lưu vực sông đã từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công tác BVMT. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định triển khai Luật đã được ban hành, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường nước sông; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước LVS; đánh giá sức chịu tải và xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến BVMT LVS là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm triển khai Đề án.

Các tỉnh trên LVS Cầu cũng đã ban hành hơn 100 văn bản thực thi tại địa phương, tập trung vào xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Cả 6/6 tỉnh LVS đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện “Kế hoạch triển khai Đề án sông Cầu 2014 – 2015 và 2016 – 2020" trên địa bàn tỉnh; đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện 18 dự án tại 6 tỉnh thuộc LVS Cầu với tổng kinh phí nhiều nghìn tỷ đồng.

Đến nay, đã có 3/6 tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt Quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn gồm các tỉnh: Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Có 5/6 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn (riêng tỉnh Bắc Ninh chưa phê duyệt).

Cùng với đó, công tác thanh tra kiểm tra được tiến hành cả cấp Trung ương và địa phương. Năm 2015 - 2019, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Sở TN&MT tiến hành triển khai công tác thanh, kiểm tra tổng số 345 cơ sở, trong đó 68 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 12 tỷ đồng. Bộ Công an từ năm 2006 - 2020, đã tiến hành trực tiếp xử lý trên 400 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 70 tỷ đồng; từ năm 2006 - 2020, các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra 8.181 sở và xử lý nghiêm 1.437 cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT với số tiền hơn 82 tỷ đồng.

Một đoạn sông Cầu qua Bắc Giang. Ảnh: MH

Không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới

Đây là kết quả rõ nét trong công tác BVMT LVS Cầu, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đều phát triển nhanh chóng trong hơn 10 năm qua. Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay, đã có 48/52 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 92.3%. Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, có 18/21 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỷ lệ 95.7%);

Các địa phương cũng đã thực hiện điều tra, thống kê và quản lý các các nguồn thải nước thải chính trên LVS Cầu; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các nguồn nước thải có lưu lượng 200 m3/ngày đêm trở lên. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc, phân tích được thiết lập từ Trung ương đến địa phương. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh.

Một số hoạt động gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn như: hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã đi vào nền nếp, tình trạng khai thác trái phép giảm đáng kể; xoá bỏ các lò gạch ngói thủ công, lò nung vôi. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom ngày càng tăng và được xử lý, điển hình là các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh tại các xã, các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp liên xã, các điểm chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ vi sinh, 100% dự án khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên hoàn thành dự án cải tạo phục hồi môi trường.

Đánh giá tổng thể chung giai đoạn 2006 - 2020, dựa trên kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường và của các địa phương cho thấy, trong giai đoạn 2006 - 2020, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trong việc quản lý và kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, trong bối cảnh phát triển công nghiệp, sản xuất và đô thị gia tăng mạnh mẽ, chất lượng nước trên LVS Cầu đã được duy trì, dù chưa được cải thiện rõ rệt trên toàn lưu vực. Chất lượng nước sông ở nhiều nơi đạt mức tốt, nước có thể sử dụng tốt cho sinh hoạt.

Tại dòng chính sông Cầu, khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh Bắc Kạn và các đoạn sông trước qua chảy qua TP. Thái Nguyên, cơ bản chất lượng nước sông thường xuyên duy trì ở mức tốt, nhưng đoạn Sông Cầu qua TP. Thái Nguyên (Hoàng Văn Thụ đến điểm Tân Phú) có xu hướng gia tăng ô nhiễm nhẹ (vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại A2 từ 1,0 - 2,5 lần): khu vực Cầu Loàng (TP. Thái Nguyên) do chịu ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất thép nên nước sông vẫn bị ô nhiễm. Một số đoạn sông tại thời điểm năm 2017, 2018 có bị ô nhiễm chất rắn lơ lửng và sắt (các khu vực như Sơn Cẩm, đập Thác Huống (Thái Nguyên) nhưng không đáng kể, tất cả các thông số khác đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (A2: nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt). Đáng lưu ý, có phát sinh điểm nóng suối Bóng Tối (điểm tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt từ TP. Thái Nguyên).

 

Ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn:

Trồng rừng để bảo vệ nguồn nước

Sông Cầu bắt nguồn từ đỉnh núi phía Bắc của tỉnh Bắc Kạn, ở độ cao 1578 m. Từ khi thực hiện Đề án đến nay, kết quả lớn nhất là diện tích rừng tăng rất lớn. Thời điểm mới bảo vệ rừng, độ che phủ là 43%, đến nay, đã tăng lên ở mức 72,9%. Trước năm 2010, lũ quét thường xuyên xảy ra, nhưng từ năm 2010 đến nay, lũ quét không còn, chất lượng nước sông Cầu được nâng lên nhiều, mực nước được cải thiện rõ rệt.

Trong giai đoạn tới, để bảo vệ LVS Cầu, cần tiếp tục có giải pháp, định hướng nâng cao vai trò của Ủy ban BVMT LVS Cầu. Đây phải là ban điều phối, có tiếng nói, có chính sách để các tỉnh thực hiện được. Đồng thời, các tỉnh cần phối kết hợp tốt hơn trong bảo vệ môi trường LVS, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong Ủy ban BVMT LVS, cần thiết phải ban hành giải pháp, phân giao nhiệm vụ hợp lý. Với Bắc Kạn, nếu phát triển trồng rừng gỗ lớn được, sông Cầu có thể trở lại như ngày xưa. Nhưng để làm được, cần có chính sách tín dụng cho người dân. Họ có được vay 10 – 15 năm để trồng rừng hay không, hay chỉ được vay 5 - 6 năm để trồng keo bán? Dù chúng tôi đã có chủ trương phát triển rừng gỗ lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất, cũng là công cụ hữu hiệu bảo vệ nguồn nước nhưng chính sách vẫn còn thiếu.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị, các chính sách thuế liên quan đến sử dụng tài nguyên nước và chính sách liên quan đến phân bổ ngân sách cho các địa phương cần phù hợp hơn. Chính sách về hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường từ LVS Cầu cũng cần hợp lý hơn.

 

Ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh:

Cần xây dựng “bài toán mẫu” về xử lý nước thải, rác thải

Bắc Ninh là một trong những tỉnh ô nhiễm nhất và vấn đề môi trường khó xử lý nhất trong LVS Cầu. Chúng tôi có cả nguồn lực, cả ý chí chính trị, cả quyết tâm nhưng xử lý ô nhiễm nguồn nước vẫn đang rất khó. Bắc Ninh đã xây dựng khu xử lý nước thải Phong Khê, đưa vào sử dụng gần 5 năm nay nhưng vẫn chưa hoạt động có hiệu quả. Nguyên nhân là do xây dựng nhà máy rồi nhưng doanh nghiệp không chịu hợp tác, không chịu đấu nối; không đấu nối thì không hoạt động được, không có tài chính để vận hành. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không bao cấp tiền vận hành, cũng chưa có chế tài để xử lý được các doanh nghiệp không chịu hợp tác.

Chúng tôi kiến nghị các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành chuyên môn xây dựng được “bài toán mẫu” về hướng dẫn, xây dựng, vận hành một nhà máy xử lý nước thải hay một khu xử lý chất thải rắn tập trung. Từ đó, chúng tôi vận dụng và triển khai thực hiện được.

Bởi hiện nay, Bắc Ninh đang xây dựng 3 nhà máy xử lý đốt rác phát điện nhưng trong quá trình triển khai thực hiện rất vướng. Vì thế, rất cần hướng dẫn cụ thể từ cơ quan cấp Trung ương, từ khâu lập dự án, đến xây dựng, vận hành.

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên:

Cần thay đổi hình thức tổ chức của Ủy ban BVMT LVS Cầu

Trong bối cảnh phát triển kinh tế, đã, đang và sẽ đặt áp lực lớn lên môi trường nói chung, trong đó có môi trường LVS Cầu. Thực tế cho thấy, Ủy ban BVMT LVS Cầu đã hoạt động tích cực, các địa phương đã chuyển biến tích cực hơn, tập trung nguồn lực cho công tác BVMT.

Tuy nhiên, với mô hình tổ chức như hiện nay, vẫn chưa có cơ chế nào để đảm bảo cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Chúng tôi đề nghị, trong giai đoạn tới, việc thành lập tổ chức quản lý LVS phải có sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Về việc kiện toàn lại bộ máy Ủy ban BVMT LVS Cầu: cần thay đổi hình thức luân phiên như giai đoạn vừa qua, Chủ tịch có thể là Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ TN&MT để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới.

Trong Luật BVMT (sửa đổi) đã quy định rõ hơn về việc BVMT các LVS. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các địa phương nguồn lực tài chính để đầu tư các công trình hạ tầng thu gom xử lý nước thải ở các khu đô thị tập trung và các nguồn thải khác. Đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường. Xem xét và xây dựng lộ trình kiểm soát để loại bỏ các công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, phát thải lớn. Quy định về việc áp dụng công nghệ tối ưu trong sản xuất và BVMT theo từng loại hình sản xuất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu: Chất lượng nước - cải thiện chưa nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO