Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

19/06/2013 00:00

Huy động các nguồn lực tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa 


 

Thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII , tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, như đầu tư về cơ sở vật chất xây dựng công trình nhà văn hóa thôn, xã; huy động các nguồn lực tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, phổ biến kiến thức tới đông đảo người dân với hy vọng thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao trên diện rộng.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã phát huy mạnh mẽ. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 87,5% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc; 66,6% làng văn hóa xuất sắc; gần 82% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị văn hóa xuất sắc. Vĩnh Phúc đã xây dựng được 125/137 nhà văn hóa xã, 100% xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa. 100% thôn, làng đã xây dựng được hương ước, quy ước. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Vĩnh Phúc đã đầu tư các công trình thuộc tôn giáo, tín ngưỡng gắn với việc phát triển du lịch tâm linh. Điển hình Khu danh thắng Tây Thiên được đầu tư đồng bộ với hàng chục công trình, hạng mục cơ bản như nâng cấp các đền, chùa, cơ sở hạ tầng trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa nhằm thu hút khách, đặc biệt từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc cưới hỏi, việc tang... ở các địa phương đã có nhiều sự đổi thay đáng kể, không tổ chức dài ngày, tốn kém. Nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ và ngày càng có nhiều gia đình thực hiện đơn giản nhưng trang trọng, văn minh hướng tới các chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam.  

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng ở Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành  tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó, chú trọng xây dựng văn minh đô thị, văn minh công nghiệp, văn minh công sở, xây dựng đời sống văn hóa ở các vùng nông thôn.  

 

 

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số 

 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, các cấp ủy Đảng của tỉnh Bình Phước tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng, như: Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa thực chất hơn; kịp thời phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tại Bình Phước, nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên, đã tạo được sự đồng thuận trong việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra. Tình nghĩa xóm giềng được củng cố, gắn bó hơn. Các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy. Việc tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được chú trọng. 

Đáng chú ý, Bình Phước là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là tộc người Stiêng bản địa, sinh sống lâu đời tại địa phương. Tỉnh đã tích cực tổ chức sưu tầm sử thi của tộc người S’tiêng và người M’nông với 150 bài, một số đã được in thành sách; sưu tầm cồng chiêng, nghiên cứu về nhạc cụ của người S’tiêng, chuyện kể dân gian, nghề dệt thổ cẩm, về trang phục và ẩm thực của đồng bào dân tộc S’tiêng. Các cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức lớp truyền dạy dân ca S’tiêng; tổ chức Liên hoan Văn hóa - thể thao các dân tộc, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt chính sách văn hóa đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. 

Tỉnh cũng phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật của người dân tộc thiểu số, ưu tiên đào tạo cán bộ là người dân tộc ít người, mở lớp học tiếng dân tộc cho một số cán bộ là người Kinh. Công trình “Xây dựng hệ thống chữ viết S’tiêng và biên soạn từ điển đối chiếu S’tiêng - Việt, Việt - S’tiêng” được đầu tư công phu, là công trình nghiên cứu đầu tiên và hoàn chỉnh nhất về hệ thống ngôn ngữ của người S’tiêng tại Bình Phước nói riêng và toàn quốc nói chung, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, giáo dục, nghiên cứu văn hóa và nhu cầu tra cứu, tìm hiểu ngôn ngữ của dân tộc S’tiêng. 

 

Nguyễn Trọng Lịch- Nguyễn Văn Việt  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO