Tiền Giang: Đẩy mạnh giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

19/05/2018 20:11

(TN&MT) - Trước tình hình tàu cá và ngư dân của địa phương xâm phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

TG2
Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: Trong những năm qua, tình hình tàu cá và ngư dân Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý diễn biến phức tạp, là một vấn nạn đáng báo động. Vấn nạn này đã gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của ngư dân, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh một số phương tiện bị bắt giữ trong vùng biển chồng lấn về chủ quyền giữa Việt Nam với các nước, còn nhiều phương tiện bị bắt do ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt đã cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt bất hợp pháp và vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng còn bị động, chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan chức năng, công tác quản lý có lúc còn lỏng lẻo, xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng vừa ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Tiền Giang vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ các quy định pháp luật về thủy sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại các địa bàn trọng điểm nghề cá.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tàu thuyền, quản lý khai thác và các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong trường hợp phương tiện bị nước ngoài bắt giữ, cần có giải pháp buộc chủ tàu chi trả kinh phí đưa công dân của Việt Nam về nước. Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực quản lý tàu thuyền, quản lý khai thác bất hợp pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

TG1
Ảnh minh họa

Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến cho ngư dân về quản lý biên giới, hải đảo. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; nơi nào để xảy ra sai phạm, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng nơi đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên.

Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Sở Ngoại vụ nhanh chóng hoàn thành thủ tục đưa ngư dân bị nước ngoài trục xuất về nước. Kiểm tra, xác minh trường hợp trao trả qua đường ngoại giao. Phối hợp điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc móc nối, đưa tàu đi khai khai thác ở nước ngoài; mua, chuộc trái phép tàu cá bị nước ngoài bắt. Quản lý chặt chẽ các địa bàn có tàu cá xa bờ, tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố có tàu khai thác hải sản xa bờ cần tăng cường quản lý, phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý rốt ráo các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức họp kiểm điểm trước dân đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cũng đặc biệt lưu ý, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố nơi đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Qua thống kê của các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, từ năm 2012 đến nay có 26 phương tiện với 234 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Cụ thể: năm 2012 có 01 phương tiện/8 ngư dân; năm 2013 có 3 phương tiện/29 ngư dân; năm 2014 có 01 phương tiện/14 ngư dân; năm 2015 có 2 phương tiện/23 ngư dân; năm 2016 có 7 phương tiện/69 ngư dân; năm 2017 có 11 phương tiện/84 ngư dân; đầu năm 2018 đến nay có 01 phương tiện/7 ngư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Đẩy mạnh giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO