(TN&MT) - Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và UBND xã Nhơn Hải tổ chức lớp tập huấn cứu hộ rùa biển cho 40 thành viên tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở 4 xã/phường Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng.
Tại lớp tập huấn thành viên cộng đồng được nghe chuyên gia IUCN giới thiệu về hiện trạng bảo tồn rùa biển, thú biển và môi trường biển ở Việt Nam; một số đặc trưng sinh học, sinh sản của rùa biển; phương pháp bảo vệ, cứu hộ rùa biển và trứng rùa biển; thực hành cứu hộ rùa biển, đào ổ rùa và di dời trứng rùa biển. Đồng thời các thành viên Tổ chức cộng đồng cũng trao đổi những vướng mắc, khó khăn hiện đang mắc phải trong hoạt động bảo tồn rùa tại địa phương.
Thế giới có 7 loài rùa, trong đó Việt Nam có 5 loài rùa biển quý hiếm là Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, rùa da và rùa đầu to. Tuy nhiên hiện nay chỉ có 3 loài rùa biển lên bãi biển ở Việt Nam để đẻ trứng là rùa da, Vích, Đồi mồi, trong đó phổ biến nhất là Vích và tiếp theo là Đồi mồi. Ông Chu Thế Cường, chuyên gia bảo tồn rùa biển của IUCN cho biết có thể dựa vào dấu chân bò để xác định loài rùa: 2 chân đối xứng ( Vích); chân trước chân sau (Đồi mồi). Thời điểm tiếp cận rùa biển là thời điểm bắt đầu đẻ trứng, cách tuần tra đi sát mép nước biển và đi chậm, tuyệt đối không được bật đèn và làm ồn khi rùa đang lên bãi đẻ trứng.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến trứng bị thối, không nở được là do trứng không được thụ tinh; thụ tinh nhưng phôi không phát triển do di dời; ảnh hưởng của môi trường. Qua đào, kiểm tra thực tế ổ trứng thứ 2 đã nở, ông xác nhận phần lớn các trứng hỏng đều có phôi, phát triển được 30-40 ngày, có trứng gần nở nhưng phôi bị chết, có thể do nhiệt độ môi trường quá cao. Vì nếu trứng hỏng do di dời thì phôi sẽ không phát triển ngay những ngày đầu. Đồng thời nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến giới tính của rùa biển, nhiệt độ cao, rùa nở sớm khoảng 7 tuần thì 100% là rùa cái; nhiệt độ phù hợp 8 tuần rùa nở thì tỉ lệ đực cái là ngang nhau 50%.
Ông khuyến cáo các Tổ chức cộng đồng nên phủ thêm bạt trên ổ vào những ngày nắng nóng để bảo vệ ổ trứng rùa. Năng lượng dự trữ của rùa con chỉ khoảng 6 ngày. Năng lượng đó để rùa bơi ra biển đến vị trí an toàn vì vậy khi rùa con nở trên mặt cát thì nhanh nhất cho rùa con tự bò ra biển và tuyệt đối không bật đèn phía đất liền để tránh rùa con bò ngược về bờ.
Là đơn vị đặt nền móng cho công tác bảo tồn rùa biển tại Bình Định 10 năm về trước, bà Bùi Thị Thu Hiền, điều phối viên Chương trình Tài nguyên biển và vùng bờ, IUCN tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của các TCCĐ trong hoạt động bảo tồn rùa biển và sự thay đổi mạnh mẽ ý thức của người dân chung tay bảo tồn rùa biển.
Theo Hiệp hội Thủy sản tại Bình Định từ (21.5 đến 21.7) đã có 7 lượt rùa (thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) - thuộc Nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, Phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế) lên bãi biển xã Nhơn Hải ( 6 lượt) và xã Nhơn Châu ( 1 lượt). Mỗi ổ trứng có số lượng dao động từ 90-110 quả. Trong đó 2 ổ đầu tiên đã nở được 104/ 205 quả đạt tỉ lệ nở thành công là 50%
Bà Nguyễn Hải Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thủy sản cho biết mục tiêu của lớp tập huấn nhằm giúp các TCCĐ quản lý, bảo tồn bãi đẻ rùa biển ngày càng hiệu quả hơn./.