Tiềm năng cổ phiếu bất động sản thời dịch bệnh

Thục Vy| 18/11/2020 21:00

(TN&MT) - Theo các chuyên gia, thời gian khó khăn đã qua và cơ hội sắp tới sẽ mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư vào ngành bất động sản (BĐS), trong đó, cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS cho trung và dài hạn là rất lớn.

Theo các chuyên gia, thời gian khó khăn đã qua, sắp tới sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BĐS

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho biết, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường BĐS. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) BĐS đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…

Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các DN BĐS niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 DN báo lỗ, 35 DN suy giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường BĐS đã rục rịch trở lại với các hoạt động mở bán.

Ông Park Won Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia mà có ba động lực tăng trưởng BĐS chính đó là cơ cấu dân số, tốc độ đô thị hoá và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, cú sốc ngắn hạn từ đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi nhưng thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ phục hồi trong trung và dài hạn.

Các dự án BĐS trong nửa năm 2020 sụt giảm đáng kể nhưng dự kiến sẽ phục hồi và vẫn ổn định trong trung và dài hạn do nguồn cung hạn chế. Sự phát triển và trưởng thành nhanh chóng của nền kinh tế, thị trường vốn, thị trường BĐS sẽ vượt qua khủng hoảng đại dịch. Theo báo cáo về thị trường BĐS của CBRE, tỷ lệ tiêu thụ cả Hà Nội và TP.HCM luôn ở mức ổn định, riêng tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ hộ mở bán hầu như không đáp ứng nhu cầu, lượng tiêu thụ luôn ở mức cao, vượt nguồn cung.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, một điểm sáng của thị trường BĐS Việt Nam chính là BĐS công nghiệp mà lâu nay chúng ta chỉ nói đến một phần nào đó của phân khúc này mà không khắc hoạ được đầy đủ một bức tranh tổng thể. Hiện nay, việc đầu tư quy mô lớn vào các BĐS công nghiệp ở Việt Nam không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng các chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi...

Phân tích về tình hình thị trường cổ phiếu BĐS, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam nhấn mạnh, thời gian khó khăn đã qua và cơ hội sắp tới sẽ mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư vào ngành BĐS, trong đó, cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS cho trung và dài hạn là rất lớn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường BĐS cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại

Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để lạc quan đón đầu ngọn gió cổ phiếu BĐS công nghiệp, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhất ASEAN; các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào Việt Nam và kể cả các chủ tịch tập đoàn lớn cũng mạnh mẽ cam kết đầu tư vào Việt Nam; làn sóng dịch chuyển sản xuất từ DN đầu tư nước ngoài lĩnh vực điện tử, công nghệ ở Trung Quốc ra Đông Nam Á và BĐS khu công nghiệp sẽ là điểm đến của làn sóng này; nguồn cung chưa thể mở rộng nhanh chóng, giá thuê sẽ tăng mạnh cho các khu công nghiệp hiện hữu.

“Theo đó, nếu các nhà đầu tư muốn lợi nhanh hơn thì nên đầu tư vào nhóm cổ phiếu BĐS công nghiệp. Thị trường chứng khoán luôn là đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống, cho nên các nhà đầu tư nên mua lúc thị trường bắt đầu lên và nên tối ưu hoá và bán lúc thì trường bắt đầu giảm. Nên chọn cổ phiếu 50%, lựa chọn thời điểm 50%”, ông Phương cho biết thêm.

Đánh giá về thị trường BĐS thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS trong 5 năm qua có rất nhiều biến động. Trong giai đoạn 2016-2017, thị trường BĐS phát triển rất tích cực, cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch. Bước sang giai đoạn 2018-2020, thị trường BĐS bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.

Đáng lưu ý là tình trạng "lệch pha cung - cầu" ngày càng rõ rệt, biểu hiện ở tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, đi đôi với đó là thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel).

Riêng 10 tháng năm 2020, thị trường BĐS bị đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường BĐS trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cũng lạc quan dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu (cũng là thời điểm vàng) và cả năm 2021, thị trường BĐS cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng cổ phiếu bất động sản thời dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO