Tiệm cận giá trị cốt lõi “chất lượng – hiệu quả - chuyên nghiệp – hội nhập” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành TNMT

Minh Châu - Mai Đan| 12/02/2020 17:41

(TN&MT) - Đánh giá về tình hình hoạt động năm 2019 của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định: Trong năm qua, tập thể cán bộ Nhà trường đã nỗ lực cố gắng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển, theo đúng định hướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Lãnh đạo Bộ, từng bước đáp ứng đòi hỏi thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Tài nguyên và Môi trường và của xã hội.

Mô hình gọn nhẹ - Mạng lưới rộng khắp

Để đạt được kết quả đáng khích lệ như Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường đã đặc biệt quan tâm việc áp dụng mô hình tổ chức của các nước tiên tiến của Châu Á trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, điển hình là Hàn Quốc, Nhật Bản…

Mô hình tổ chức này cho thấy mặc dù bộ khung của nhà trường chỉ với 37 công chức, viên chức và lao động hợp đồng, nhưng thực tế đội ngũ giảng viên lớn hơn rất nhiều lần. Họ là các chuyên gia, các nhà quản lý có kinh nghiệm đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước nói chung và các đơn vị quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường nói riêng.

Tận dụng những thế mạnh ban đầu đó, Nhà trường luôn nỗ lực cố gắng và xác định đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn quốc tế, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tại các cơ quan, tổ chức nói chung và của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng. Nhiệm vụ này đã được hoạch định ngay từ năm đầu Trường mới thành lập và đã được thực hiện một cách bài bản, vững chắc.

Nhờ áp dụng mô hình tổ chức của các nước tiên tiến trên thế giới cũng như tận dụng các thế mạnh ban đầu, trong năm 2019, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ so với năm 2018.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (thứ 5 từ phải qua), TS. Nguyễn Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (thứ 6 từ phải qua) cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Trường và Viện Môi trường Phần Lan

Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT về điều này, TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng vậy, hiệu quả hoạt động được quyết định bởi trình độ, phẩm chất, năng lực và kết quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Về phía nhà trường, năm 2019, Trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho gần 4.700 lượt học viên, tăng gần 35% so với năm 2018. Học viên tham dự thuộc nhiều đối tượng khác nhau, gồm: cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương; công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường ở Trung ương, địa phương; cán bộ thuộc các cơ quan/đơn vị ngoài Bộ, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất.

Xác định vai trò quan trọng của giảng viên, báo cáo viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường không ngừng mở rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ này. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng giảng viên, báo cáo viên tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tăng 33,3% so với năm 2018.

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường có 6 đơn vị, gồm: Văn phòng; Phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng; Phòng Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế; Khoa Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Khoa Đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nhân lực.

Năm 2019, Nhà trường đã ký kết 3 Biên bản ghi nhớ về phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường với 3 đối tác nước ngoài: Viện Đào tạo nguồn nhân lực môi trường Hàn Quốc, Bộ Môi trường Hàn Quốc; Viện Môi trường Phần Lan, Bộ Môi trường Phần Lan; Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường Lào (đã ký tắt, sẽ tổ chức chính thức tại Viên Chăn vào đầu năm 2020); Hiệp hội Giáo dục EduExcellence Phần Lan (dự kiến sẽ tổ chức Lễ ký kết MOU trong năm 2020 tại thủ đô Helsinki, Phần Lan).

Về chất lượng đào tạo, Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung chương trình, tài liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành để tổ chức triển khai các khóa, lớp học; nội dung giảng dạy luôn cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, các quy định mới về pháp luật liên quan; bài giảng có liên hệ thực tiễn, gắn với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội trong nước và nước ngoài; đối với những chương trình bồi dưỡng mới.

Đặc biệt, về đối tượng đào tạo trong năm 2019, nhà trường đã tập trung vào các học viên là cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý nhà nước – những người đang công tác tại các Sở TN&MT và các Phòng TN&MT của các địa phương trong cả nước, cũng như cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp về công tác tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức các khóa đào tạo mang tính chất chuyên môn sâu “mới và khó”. Nhà trường đã tăng cường, mở rộng sự phối hợp, hợp tác với các cơ sở đào tạo khác tổ chức các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở của Bộ, của Trường và nhiều địa phương với số lượng 37/63 tỉnh thành cả nước tham gia. Trường đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, bồi dưỡng với 2 Sở TN&MT, 3 cơ sở đào tạo trong năm 2019.

Đào tạo, bồi dưỡng là “diễn đàn” của người làm chính sách và thực thi chính sách

Nhìn lại kết quả bước đầu của nhà trường sau hơn một năm hoạt động, TS Nguyễn Đức Toàn chia sẻ, một trong những nguyên nhân chính giúp Nhà trường tổ chức thành công các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng là do Nhà trường luôn cho rằng công tác đào tạo là “diễn đàn” của người làm chính sách và thực thi chính sách.

Cụ thể, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường luôn được đổi mới và đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, từ đào tạo tập trung, tại chỗ, trực tuyến theo từng đối tượng và nhu cầu của học viên… Nhà trường luôn chú trọng tăng cường, mở rộng sự phối hợp, hợp tác với các cơ sở đào tạo khác tổ chức các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, luôn có phương châm đào tạo theo nhu cầu phục vụ công tác, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành TN&MT từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, thành phố.

Nhà trường đã không ngừng đổi mới, cải tiến mô hình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đối tượng, loại hình... Phương pháp giảng dạy cũng hết sức linh hoạt như trao đổi, làm việc nhóm, hỏi đáp, tự nghiên cứu, tham quan thực tế... trên nguyên tắc tạo cảm hứng cho học viên, lấy người học làm trung tâm.

Hội nghị tập huấn về công tác quản lý tài nguyên và môi trường khu công nghiệp do Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổng công ty Sonadezi tổ chức từ ngày 11-12/10/2019 tại Đồng Nai

Trước những yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành và tình hình thực tế Nhà trường, trong năm 2020, Trường sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo chuyên sâu; Đẩy mạnh, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cả về chất lượng lẫn quy mô cho đối tượng là đội ngũ quản lý tài nguyên và môi trường địa phương; đội ngũ quản lý, công nhân viên, người lao động tại các Khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn cả nước.

Để đạt được những kỳ vọng của Lãnh đạo Bộ TN&MT về đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chất lượng cao và các công tác khác, Nhà trường sẽ củng cố, tăng cường đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đặc biệt các chuyên gia nước ngoài; Triển khai ứng dụng công nghệ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến hiện đại; Tăng cường, phối hợp, triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng với các đối tác nước ngoài; Kiện toàn để thực sự ổn định bộ máy lãnh đạo, bố trí, sắp xếp nhân sự, nhân lực theo năng lực, vị trí việc làm và phù hợp với tình hình thực tế của Trường.

Mong rằng, với những định hướng mục tiêu mà Nhà trường đã vạch ra trong năm 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành tài nguyên và môi trường sẽ gắn kết giữa nghiên cứu với thực tiễn đào tạo.

Trong năm 2019, Nhà trường cũng đã tổ chức thành công 4 Hội thảo quốc tế: Hội thảo về phát triển nhân lực lĩnh vực môi trường (IWEHRD) lần thứ 9 với 20 đai biểu quốc tế tới từ 4 nước (Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia và Ai Cập); Hội thảo quốc tế về Dự án Thành phố không phát thải khí nhà kính (HINKU) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ với các đại biểu là cán bộ trong và ngoài ngành tài nguyên và môi trường, đại diện các tổ chức quốc tế, các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiệm cận giá trị cốt lõi “chất lượng – hiệu quả - chuyên nghiệp – hội nhập” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành TNMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO