Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của nhiều người dân thôn Minh Nga (xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội) phản ánh về việc chính quyền địa phương dung túng cho việc đất nông nghiệp bị biến thành xưởng sản xuất nhựa tái chế hoạt động nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường.
Theo đơn, thôn Minh Nga trước đây cho thầu đất trái thẩm quyền thời hạn 20 năm, mục đích là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên chủ thuê đất đã không thực hiện đúng nội dung hợp đồng mà san lấp xây xưởng sản xuất nhựa tái chế gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của nhân dân. Thậm chí khu đất này cũng đã được phân lô chia nền xây nhà kiên cố.
Cụ Vũ Văn Nghiêng (80 tuổi, nhiều năm sinh sống ở thôn) cho biết, người dân đã nhiều lần đề nghị lên chính quyền các cấp nhưng nhiều năm vẫn không được giải quyết, gây bức xúc. Khi người dân có ý kiến thì chủ xưởng còn tỏ thái độ không hợp tác và gây hiềm khích.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn (người dân thôn), nguyện vọng của người dân là phải thu hồi khu vực này để xây nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí bởi thôn làng ở đây chưa có nhà văn hóa nhiều năm nay.
Cũng theo những người dân, khu vực nhà xưởng này nằm ngay cạnh trường học, hoạt động gây khó chịu cho thầy cô học sinh nhà trường. Đường sá qua lại ở đây cũng hư hỏng hết, tạo thành vũng nước lớn dù ngày nắng cũng như ngày mưa. Không những vậy, việc nhà xưởng hoạt động ở đây còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của họ.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh dẫn chúng tôi đi quanh khu vực nhà xưởng chỉ về những bãi ruộng để không và nói rằng từ lâu đất đai ở đây không trồng trọt được vì cây cối khô héo, không có năng suất. Người dân cũng đặt câu hỏi, khu đất này nằm cách UBND xã Văn Tự chỉ vài trăm mét, nhưng có cả ngôi nhà 3 tầng mọc lên mà không có biện pháp xử lý.
Theo quan sát của PV, khu nhà xưởng này nằm ngay trục đường ra UBND xã Văn Tự. được xây dựng kiên cố trên 1 khu đất rộng lớn, kéo dài ra phía sau các bãi ruộng. Con đường đi qua đây lầy lội, nước đọng thành vũng lớn bởi xe tải ra vào rất nhiều. Một người bảo vệ trường học cũng chỉ tay về xưởng lắc đầu cho biết, nhiều hôm xưởng hoạt động mùi khét không chịu được.
Cũng theo tìm hiểu, sự việc đã được người dân phản ánh lên nhiều cơ quan ban ngành. Qua rất nhiều lần, nhiều năm chỉ đạo, đôn đốc từ các cấp, chính quyền địa phương cũng đã ban hành các văn bản kết luận rõ sai phạm của khu nhà xưởng này. Tuy nhiên cho đến nay, huyện và xã vẫn không ra được một biện pháp cứng rắn nào. Nhà xưởng vẫn hoạt động. Sau khi người dân kêu nhiều, hoạt động tái chế nhựa giảm bớt, nhưng xưởng vẫn hoạt động bình thường.
Báo cáo của UBND xã Văn Tự mới đây xác định, khu đất này rộng hơn 3.000m2, được thôn Minh Nga cho ông Nguyễn Văn Xiêm thuê từ năm 1997. Hết hạn hợp đồng và trong khi người dân còn khiếu nại, trưởng thôn Minh Nga vân tiếp tục ký cho thuê tiếp vào năm 2017. Vậy nhưng phải đến năm 2018 xã mới phát hiện ra và chỉ đạo thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, trong quá trình này, nhiều công trình xây dựng không phép đã mọc lên ở đây.
Cũng theo báo cáo, xưởng sản xuất nhựa với danh nghĩa Công ty TNHH TM và DV Huy Hoàng hoạt động từ năm 2004. Năm 2014, sau khi người dân kiến nghị nhiều, chủ xưởng đã phá dỡ 1 phần, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và xây dựng thêm ở phía sau và bị xã cưỡng chế. Báo cáo còn nêu rõ, tại khu vực này, ngoài xưởng của ông Xiêm còn có 10 hộ đang sử dụng đất không phép và cũng xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất.
Trao đổi với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Hùng Sơn (Chủ tịch UBND xã Văn Tự) cho rằng, thông tin phản ánh là không sai nhưng xuất phát từ những mâu thuẫn phức tạp của người dân tại thôn Minh Nga từ nhiều năm nay sinh ra kiện cáo. Cũng theo ông Sơn, do ngày xưa xã không quản lý những khu đất này mà giao cho thôn. Các trưởng thôn đứng ra cho thuê thầu. Điều đó dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích. Việc xây dựng vi phạm khu vực Thùng Lò Gạch này tồn tại từ trước năm 2000. Thậm chí có gia đình ra đây xây nhà ở là do xã từ ngày xưa đổi đất từ chỗ khác cho họ và họ đã sinh sống từ mấy chục năm.
Những khu đất này mới sau này mới chuyển về xã quản lý. Hiện nay, chính quyền địa phương đang làm hồ sơ về tất cả lô đất ở khu vực này để có giải pháp. Qua đó cho thấy, các hộ dân xây dựng lấn chiếm này hằng năm cũng đều đóng góp cho ông Xiêm để trả tiền thuê đất. Hiện nay đã hết hợp đồng nhưng các công trình vẫn tồn tại. Xã hiện nay đang khó khăn tìm giải pháp để kiến nghị với huyện để cho thuê vì nguồn gốc là đất lúa.
Ông Sơn cho hay hiện nay xưởng nhựa đã chuyển phần lớn sang khu vực khác. Tại đây chỉ còn một số hoạt động chế biến gỗ, chế biến nhựa chỉ còn rất ít. Thực ra xưởng nhựa trước đây là do 2 người con của ông Xiêm đứng ra làm. Sau khi người dân ý kiến và chính quyền vận động, những người này đã chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Chỉ còn một số bà con trước đây làm ở xưởng nhựa vẫn tận dụng sản xuất, nhưng số lượng không đáng kể nữa.
Sau khi lập đầy đủ hồ sơ vi phạm đất đai của toàn bộ khu vực này, xã sẽ báo cáo huyện để xử lý. Nếu phải thu hồi đất thì xã sẽ thực hiện. Tuy nhiên đặc thù ở thôn Minh Nga khá phức tạp nên xử lý không đơn giản. Chính quyền địa phương phải có biện pháp để đảm bảo được an ninh trật tự. Xử lý hay không xử lý vẫn phải họp và đồng thuận với dân.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã, quy hoạch của huyện đã đưa khu này là đất dịch vụ. Theo đó, tới đây chính quyền địa phương vẫn phải thu hồi, sau đó đấu giá. Hộ gia đình nào trúng thì tiếp tục sử dụng kinh doanh.
Câu chuyện nhà xưởng lấn chiếm đất đai sản xuất nhựa kéo dài nhiều năm đến nay. Chính quyền địa phương nhiều lần vào cuộc vẫn chưa xử lý dứt điểm. Trong khi đó, người dân tại thôn Minh Nga vẫn tiếp tục mâu thuẫn khiếu nại kéo dài đến này chưa có hồi kết và đến nay vẫn chờ lập hồ sơ đất đai.