Mặn đã xâm lấn vào sông Hậu gần tới bến Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, cuối tháng 2 độ mặn đo được tại đoạn tiếp giáp TP.Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang đã tới 3,5%o, cao hơn 1,43%o so cùng kỳ đại hạn năm 2016 |
Cả nước đang chứng kiến hiện trạng miền Tây khô khốc trong đại hạn lặp lại sau 4 năm, với những cánh đồng nứt nẻ, những dòng kênh trơ đáy và chính quyền các địa phương đang tất bật tìm mọi cách cung ứng nước ngọt cho 332.000ha lúa, khoảng 136.000ha cây ăn trái, 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong vùng bị xâm nhập mặn và tiếc nuối hàng tỉ khối nước ngọt tràn trề, gây ngập lụt sâu, kéo dài ở các đô thị cuối nguồn Mekong, như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Vị Thanh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ,… 5 tháng trước.
Hoàn cảnh đòi hỏi phải cải tiến hệ thống đê bao thủy lợi khép kín cục bộ tại tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười để có thể đón lũ, nhận phù sa vào cao điểm mưa lũ, thừa nước ngọt, là hành động khắc phục sự lãng phí nước ngọt, đáp ứng nhu cầu ứng phó với tình huống thời tiết cực đoan có sự khống chế về nguồn nước từ các đập thủy điện thượng nguồn Mekong. Nói theo cách của Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh -người có kinh nghiệm công tác lâu năm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và quá trình nghiên cứu thực tiễn ở miền Tây, thì đó là một trong những giải pháp “chủ động để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.
Nhờ tính toán thời vụ hợp lý, nhiều cánh đồng canh tác lúa tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch trước thời điểm hạn mặn xảy ra, tránh được thiệt hại |
Tăng cường biện pháp bảo tồn diện tích đất ngập nước
Tuy nhiên, với khoảng 20 tỉ khối nước ngọt tích trữ từ việc cải tiến hệ thống đê bao khép kín tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười, chỉ tương đương 5% tổng lượng nước ngọt thượng nguồn Mekong đổ về miền Tây hàng năm (khoảng 422 tỉ khối) thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu tích trữ nước thừa tại đầu nguồn vào thời điểm (khoảng tháng 10, tháng 11 - cao điểm mưa lũ), để điều tiết cân bằng sinh thái cho mùa kiệt - nếu không chú trọng đến việc tăng cường bảo vệ các vùng đất ngập nước như Trà Sư, Tỉnh Đội, Búng Bình Thiên,... và các hồ trên núi từ An Giang qua Kiên Giang. “Đây là các nguồn nước ngọt quý giá, có thể điều tiết, khai thác, xử lý và phân phối đến toàn vùng kể cả biển đảo Tây Nam” - Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về BĐKH (Trường Đại học Cần Thơ), lưu ý.
Vì lẽ đó, việc cải tiến hệ thống đê bao thủy lợi khép kín cục bộ, khôi phục khả năng trữ nước tại tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười cần được tiến hành đồng thời với các biện pháp bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước mà chính quyền các địa phương đang chú trọng triển khai thực hiện theo Nghị định 66/2019/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành cuối năm ngoái. Theo đó, việc rà soát, đánh giá đề ra biện pháp khôi phục, bảo tồn không gian trữ nước tại các khu hệ sinh thái đất ngập nước ở các địa phương đầu nguồn (An Giang, Đồng Tháp), khắc phục những bất cập do tình trạng sử dụng diện tích cải tạo để canh tác nông nghiệp trong thời gian qua.
“Một trong những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo thích nghi với BĐKH, nước biển dâng là tôn trọng quy luật chuyển động của nguồn nước trong vùng một cách chủ động, thân thiện nhất” - TS.KTS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng).
Các khu hệ sinh thái đất ngập nước ở hai địa phương đầu nguồn này vốn rất đa dạng, phong phú, có không gian tích trữ hàng chục tỉ khối nước ngọt và nhiều nghiên cứu khoa học đều đã đi tới luận điểm kiến nghị khôi phục không gian trữ nước, kết hợp phòng cháy chữa cháy, bảo tồn đa dạng sinh học và điều tiết cân bằng sinh thái.
Riêng tỉnh An Giang, diện tích đất ngập nước có tới 318.196ha, bao gồm: Lung Bào Nâu, Phú Hội, Rạch Cỏ Lau, Lòng hồ Tân Trung, Ngọn Cả Mây, Búng Bình Thiên (tập trung ở huyện An Phú, Phú Tân); các hệ sinh thái đất ngập nước theo kênh, rạch tự nhiên: ven bờ sông Tiền, sông Hậu và cồn cát; các khu hệ sinh thái rừng tràm Tỉnh đội, Bưu điện, Bình Minh, Vĩnh Gia, Afiex, Nhơn Hưng, Thị đội, Trà Sư… (tập trung ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, TP.Châu Đốc - tỉnh An Giang); và các khu đất ngập nước nổi tiếng như Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt… (tỉnh Đồng Tháp).
Đơn cử, Búng Bình Thiên - cư dân sở tại còn gọi là “Hồ nước trời”, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, được xem là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây cũng là nơi cư trú thích hợp cho nhiều loài thủy sinh vật, trong đó có nhiều loài thủy sản đặc trưng của ĐBSCL di cư vào sinh sống. Không gian trữ nước của Búng Binh Thiên vốn có diện tích khoảng hơn 200ha vào mùa kiệt và nở rộng ra tới 800ha vào mùa mưa (trong đó có Búng Lớn trên 193ha, Búng Nhỏ gần 10ha), với độ sâu trung bình từ 6m - 10m, tổng trữ lượng nước ước tính gần chục tỉ khối.
Tuy nhiên, từ 8 năm trước, Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu thực địa đã ghi nhận phần Búng ở phía sông Bình Di thu hẹp, cạn dần, giảm khả năng trao đổi nước giữa Búng với sông, chất thải sinh hoạt của dân cư, các hoạt động khai thác thủy sản chưa hợp lý cùng với sự tác động cực đoan của điều kiện khí hậu... rất cần các biện pháp khôi phục, bảo tồn tính đa dạng sinh học nguồn lợi thủy sản cùng với việc ổn định sinh kế, nâng cao đời sống của cộng đồng và tích trữ nước.
Những năm gần đây, TP.Cần Thơ đã triển khai dự án xây dựng hồ Xáng Thồi hiện đang tiếp tục triển khai thi công công trình hồ Bún Xáng rộng khoảng 18ha để trữ nước và điều tiết nước, chống ngập cho khu vực quận Ninh Kiều |
Điều chỉnh sản xuất và quy hoạch xây dựng, mở không gian cho nước
Phân tích dữ liệu từ hai đại hạn lặp lại trong 4 năm qua, cho thấy: lưu lượng nước trên sông Mekong về miền Tây hiện chỉ còn ở mức dưới 1.600 m3/s, giảm trên 1.200m3/s so với mức bình quân trong quá khứ. Diễn biến trong điều kiện thời tiết cực đoan này cũng đặt ra yêu cầu các giải pháp trữ nước cần phải tính đến các tình huống lưu lượng nước ngọt thượng nguồn Mekong đổ về miền Tây ở mức suy kiệt và con số 422 tỉ m3/năm mà các cơ quan chức năng ghi nhận trước đây không còn phản ánh đúng hiện trạng.
Do đó, cùng với khôi phục không gian trữ nước đầu nguồn thì không gian trữ nước trong mùa mưa lũ trên đồng ruộng, kênh mương, ao hồ,… các khu đất ngập nước ở vùng giữa, giáp mặn để chủ động nguồn nước nội vùng và góp phần điều tiết tăng cường độ dòng chảy nước ngọt về phía ven biển trong mùa kiệt, giảm bớt mặn xâm nhập sâu về phía thượng nguồn cũng cần được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh sản xuất phù hợp. Như khuyến cáo của chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện: “Vùng giữa, là vùng phù sa, cây ăn trái, nên chuyển hướng cây trồng sang giá trị cao hơn, sạch hơn và phục hồi trao đổi nước giữa vườn tược và sông ngòi để giảm độc chất trong bùn của mương vườn”.
Tại các đô thị vùng giữa, vùng phù sa giáp mặn có xu hướng gia tăng ngập lụt và xâm nhập mặn (bao gồm một phần diện tích phía trên của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP.Cần Thơ) việc tạo thêm không gian chứa nước, bù lại hệ thống kênh rạch tự nhiên đã bị lấp, nhiều diện tích bị bê tông hóa trong tiến trình đô thị hóa là vấn đề cấp bách, cần được điều chỉnh từ trong công tác quy hoạch xây dựng.
“Cần áp dụng giải pháp qui hoạch đô thị “dành chỗ cho nước”. Phải có một “quy hoạch nước”. Phải chủ động hơn nữa trong việc kết hợp với qui hoạch thủy lợi/tưới tiêu. Phải xác định được các vùng chứa nước, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường… phù hợp với qui luật tự nhiên và có tính chủ động trong việc điều tiết, kiểm soát nguồn nước” - TS.KTS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, khi tham kiến về quy hoạch phát triển đô thị ở miền Tây thích ứng BĐKH.
Vườn quốc gia U Minh Thượng đã thực hiện mô hình quản lý nước chủ động kết hợp phòng cháy chữa cháy toàn bộ vùng đệm diện tích 13.069ha và vùng lõi 8.038ha |
Mở rộng không gian cho nước là một trong những yếu tố nền để điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thích ứng BĐKH. Theo TS.KTS. Trần Thị Lan Anh, các yếu tố cần chú trọng là phải đảm bảo sự cân bằng hệ Địa - Kinh tế - Sinh Thái trong cấu trúc đô thị; tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”; khi chọn đất qui hoạch đô thị phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên, coi trọng cấu trúc tự nhiên trong qui hoạch đô thị như một yếu tố cấu thành đảm bảo sự phát triển bền vững và lồng ghép giải pháp qui hoạch hạ tầng kỹ thuật với giải pháp quản lý nước mặt trong đô thị.
Ngoài ra, TS.KTS. Trần Thị Lan Anh cho rằng: "Công tác qui hoạch khoanh vùng bảo vệ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, hệ thống kênh rạch… các khu rừng Quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ, vùng biển Tây, biển Đông, các không gian nông nghiệp, không gian trống trong vùng tạo nên các lưu vực cấp thoát nước chính, các không gian mở có khả năng dung nạp, điều tiết nước các mùa trong năm… có ý nghĩa chiến lược, dài lâu".
Kỳ cuối: "Cần giải pháp sử dụng nước hiệu quả, bền vững ở vùng ven biển"