Du lịch

Du lịch xanh ngược miền Tây xứ Nghệ

Đình Tiệp 28/01/2025 - 07:58

(TN&MT) - Miền Tây Nghệ An không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo mà còn đa dạng về nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài “trái tim” là Vườn Quốc gia Pù Mát thì những thắng cảnh khác trải dài từ các huyện Con Cuông, Tương Dương đến Quế phong, Quỳ Châu... đang là “nguyên liệu” quý giá để miền Tây Nghệ An phát triển du lịch xanh.

Tiềm năng lớn

Vườn Quốc gia Pù Mát vốn được biết đến là “trái tim” của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn với diện tích hơn 94.750ha, địa phận trải dài khắp 3 huyện vùng cao Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, phía Tây tiếp giáp biên giới Việt - Lào.

anh-3.jpg

Nghệ An đang ở giai đoạn đầu của phát triển du lịch xanh, điều cần thiết bây giờ là nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh cho cộng đồng, cán bộ chuyên môn, quản lý, từ đó hoạch định ra chiến lược thực hiện. Trước khi khai thác, chúng ta cần ứng xử “đẹp” với môi trường như cách mà các huyện miền Tây như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong đã và đang làm.

Ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An

Nơi đây hội tụ phong phú tài nguyên thiên nhiên với hệ sinh thái giàu có, đa dạng sinh học cao và nét văn hóa bản địa đặc sắc. Trong vùng đệm Vườn Quốc gia hiện diện hàng loạt di tích độc đáo như thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Côn Chùa (huyện Con Cuông), đền Vạn (huyện Tương Dương), đền Cửa Lũy, đền thờ Lý Nhật Quang, nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn)… những địa danh hoàn toàn có thể kết hợp, xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch, các tour tuyến có tính kết nối.

Nếu là một người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ lãng mạn, thì khu du lịch sinh thái Phà Lài chính là một trong những gợi ý tuyệt vời dành cho các du khách. Khu du lịch sinh thái Phà Lài là địa danh thuộc làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh sơn thủy hữu tình, nằm giữa đập Phà Lài và dòng sông Giăng thơ mộng.

“Đập Phà Lài nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát, là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ Nghệ hiện nay. Phà Lài cách thành phố Vinh chỉ 100km, ngược về hướng đập Phà Lài khoảng 3km là bãi tắm hoang sơ lọt giữa vòng ôm của màu xanh cây lá. Đến với Phà Lài, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như đi xuồng máy, chèo thuyền kayak, trượt zipline đôi, khám phá ẩm thực dân tộc Thái,…” - Chị Vi Thị Thắm - người đang mở dịch vụ khai thác du lịch tại đập Phà Lài, giới thiệu.

Cái tên gọi Phà Lài cũng mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Trong tiếng Thái, Phà Lài có nghĩa là lèn hoa hay hoa lèn trên đá. Cái tên này gắn liền với đặc điểm thiên nhiên nơi đây. Trong khu du lịch sinh thái Phà Lài có các núi đá chênh vênh với rất nhiều loài dây leo. Sự sắp xếp kỳ diệu của thiên nhiên tạo nên những dải hoa màu rực rỡ cheo leo trên đá.

Chia tay một Con Cuông thơ mộng, ngược theo Quốc lộ 7, khu vực xã Tam Đình, huyện Tương Dương, du khách sẽ được ngắm quần thể săng lẻ vô cùng độc đáo, được mệnh danh là cánh rừng đẹp nhất Đông Dương, mà bất cứ ai đi qua cũng phải dừng chân. Những cây săng lẻ cao đến 40m, thân màu trắng, được bàn tay tạo hóa xếp đặt trên diện tích gần 250ha, hình thành nên một không gian xanh, đẹp đến ngỡ ngàng. Rừng săng lẻ đã là niềm tự hào, biểu tượng, là điểm đến du lịch đáng chú ý ở miền Tây xứ Nghệ. Hiện, rừng săng lẻ Tam Đình đã trở thành thắng cảnh du lịch quan trọng, tiền đề để phát triển du lịch xanh cho huyện Tương Dương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Từ rừng săng lẻ Tương Dương, Nghệ An đang nhân rộng thêm những cánh rừng du lịch sinh thái tiêu biểu là cây bản địa như ở huyện Quỳ Châu. Hay dưới dốc Kẻ Lè (bên cạnh Quốc lộ 48, giáp ranh giữa 2 xã Châu Hội và Châu Hạnh) triển khai mô hình rừng cây bản địa - rừng cây đại đoàn kết. Rừng cây bản địa trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái xanh quan trọng bên cạnh những di tích, danh thắng sẵn có như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng, Di tích lịch sử Đốc binh Lang Văn Thiết, bản Thái cổ Hoa Tiến, khe Bàn, thác Khe Bấn, khe Mị... Dưới tán rừng cây bản địa dốc Kè Lè, huyện cũng sẽ cho triển khai trồng các loại cây dược liệu, tạo nên các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách.

Kỳ vọng “nở rộ” trong tương lai gần

Cách thị trấn Con Cuông chừng 25km, thác Khe Kèm được ví như món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Vườn Quốc gia Pù Mát. Nơi đây được các nhà khoa học khẳng định là thác nước hoang sơ bậc nhất của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.

anh-5-1-.jpg

Thác nước 7 tầng nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Gọi là thác 7 tầng bởi quần thể thác nước trải dài trên khoảng 7km với 7 tầng nước lớn và hàng ngàn tầng thác nhỏ khác nhau. Ngọn thác này bắt nguồn từ Lào, chảy vắt qua khu rừng nguyên sinh thuộc Pù Hoạt trước khi tạo ra vẻ đẹp kỳ thú mê hoặc.

Theo người dân địa phương, thác này còn gọi với cái tên quen thuộc là Bổ Bố, tiếng Thái có nghĩa là "dải lụa trắng". Bởi thác Khe Kèm Nghệ An có độ cao hơn 500m, độ dốc 80%, đứng từ dưới chân thác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng nước chảy vô cùng mạnh mẽ và uyển chuyển tựa như một dải lụa trắng giữa núi rừng thiên nhiên. Bao bọc xung quanh thác là thảm thực vật đa dạng, phong phú, với hàng trăm loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, tựa như chốn tiên cảnh.

“Thông thường, vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, nhiều những nhóm du khách sẽ tổ chức dã ngoại hoặc chương trình thực tế tại đây. Có thể nói, thác Khe Kèm là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi tới Nghệ An. Ngoại trừ đợt dịch Covid-19 mấy năm trước, lượt khách ghé thăm thác Khe Kèm đều tăng theo từng năm, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5. Như năm 2024, lượng khách đến với thác Khe Kèm ước tính lên đến hàng chục nghìn lượt người”, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Định – Giám đốc Công ty lữ hành Hoành Sơn: “Tại thác Bảy tầng, mỗi tầng thác như một nốt nhạc trong khung nhạc khổng lồ. Qua hàng ngàn năm, từ những đứt gãy của địa chất đã góp phần tạo nên nét độc đáo của dòng thác. Những khối đá đã bị dòng nước bào mòn phẳng lỳ khiến khung cảnh trở nên hấp dẫn. Bên cạnh con thác còncó những khu vực canh tác, sản xuất của người dân địa phương. Đây là nét chấm phá khiến thắng cảnh này trở nên gần gũi, hấp dẫn. Chính những nét độc đáo, hấp dẫn này mà mỗi khi có tour du lịch miền Tây Nghệ An, tôi đều gợi ý cho du khách lựa chọn địa danh này và gần như chưa đoàn khách nào bỏ qua địa điểm du lịch nói trên”.

Có thể khẳng định, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái theo chiều hướng “du lịch xanh” đang được Nghệ An chú trọng trong những năm gần đây. Cùng với sự kết nối cộng hưởng của các điểm du lịch cộng đồng bản Cọ Muồng, Mường Đán cũng như đền Chín Gian, địa phương đã xây dựng khu du lịch sinh thái quần thể thác Bảy tầng nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt một cách bài bản, khoa học. Với ý thức chú trọng khai thác giá trị tự nhiên tuân theo quy hoạch, quan tâm đến việc bảo vệ và tôn tạo giá trị văn hóa bản địa, trong tương lai gần, du lịch xanh ở Nghệ An sẽ là thế mạnh để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch xanh ngược miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO