Môi trường

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp

Hoài Thu 17/09/2024 - 19:38

(TN&MT) - Ngày 17/9, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) cùng các đơn vị liên quan, đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” nhằm góp phần xây dựng khối liên kết bền vững trong nghiên cứu phát triển, sản xuất và tận dụng sự tiềm năng của công nghệ để tăng tốc đổi mới sáng tạo xanh toàn cầu.

Hội thảo được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) – Chính phủ Australia và Đại học Quốc gia Australia hướng đến giải quyết những thách thức để chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững toàn diện tại Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-09-17-luc-12.50.51.png
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nền nông nghiệp hiện đang đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, hiện nay, ngành nông nghiệp đang đối mặt với các thách thức lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo dự báo, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất từ 500.000 ha đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại hàng năm lên tới 3% GDP.

Vì vậy, nông nghiệp xanh đang nổi lên như một giải pháp tất yếu cho sự phát triển bền vững tại Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và BĐKH, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh hiệu quả trong nông nghiệp, cần giải quyết được một số thách thức, vướng mắc. Lớn nhất liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp.

Vấn đề về việc thiếu chuyên gia, đội ngũ có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao và tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các công nghệ xanh, giống cây trồng mới và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với các chuyên gia, tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nguồn lực cũng là một rào cản lớn cần được giải quyết để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp này.

anh-chup-man-hinh-2024-09-17-luc-12.50.07.png
Ông Todd Sanderson - Giám đốc chương trình nghiên cứu các hệ thống xã hội của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia phát biểu tại Hội thảo

Ông Todd Sanderson - Giám đốc chương trình nghiên cứu các hệ thống xã hội của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia cho biết, tại thời điểm hiện tại, Trung tâm đang xây dựng các chính sách để phát triển nông nghiệp xanh. Cùng với đó, Trung tâm còn hợp tác với các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam xây dựng các hệ thống giám sát, kiểm định; từ đó, đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các hoạt động, chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam trong một số lĩnh vực về: Kinh doanh nông nghiệp, nghiên cứu đất đai và BĐKH.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nông nghiệp xanh, chuyển đổi nông nghiệp bền vững đang là vấn đề quan trọng và cấp thiết, giúp đảm bảo an ninh lương thực. Từ đó, ông Todd Sanderson hy vọng rằng Việt Nam và Úc sẽ cùng nhau xây dựng chiến lược và lộ trình, chương trình Nghị sự về phát triển nông nghiệp xanh, cũng như Trung tâm có thể học hỏi được những kinh nghiệm chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam và áp dụng cho nền nông nghiệp nước Úc.

anh-chup-man-hinh-2024-09-17-luc-12.49.09.png
PGS.TS Chu Hoàng Long - Đại học Quốc gia Australia trình bày tham luận

Trình bày tham luận về “Tính kinh tế và cách tiếp cận thị trường nhằm thúc đẩy kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp”, PGS.TS Chu Hoàng Long - Đại học Quốc gia Australia cho rằng, có 2 nhóm giải pháp công nghệ trong việc hỗ trợ canh trồng lúa phát thải thấp, bao gồm: Nhóm kỹ thuật canh tác tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng - giúp nông dân giảm thiểu đầu vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và Nhóm kỹ thuật canh tác tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng - giúp giảm bớt thời gian ngập nước cho ruộng lúa.

Nghiên cứu cho thấy, khi áp dụng canh tác phát thải thấp, năng suất đạt được sẽ cao hơn và phát thải thấp hơn, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế gồm lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận đối với người trồng lúa lại thấp hơn, bởi doanh thu trồng lúa cao hơn thì tất chi phí cũng cao hơn. Do đó, người nông dân ít chọn sử dụng phương pháp này mặc dù phương pháp này giúp trồng lúa phát thải thấp.

Tuy nhiên, để canh tác lúa đạt phát thải thấp, xét về tổng thể, nông dân sẽ tốn chi phí - hoặc giảm lợi nhuận. Do đó, nông dân cần được đền bù, và cơ chế thị trường được coi là công cụ hiệu quả để đền bù cho nông dân (thông qua bán tín chỉ carbon, các giải pháp gỗ trợ hộ nghèo vay vốn) và để thực hiện cơ chế thị trường như vậy, đòi hỏi quá trình kiểm định và cần được thiết kế phù hợp với các mục tiêu vĩ mô quốc gia.

anh-chup-man-hinh-2024-09-17-luc-12.48.36.png
TS.Nguyễn Thị Hải - Đại học Quốc gia Australia trình bày tham luận

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hải - Đại học Quốc gia Australia đã trình bày về việc hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp về chứng nhận tín chỉ carbon. Qua đó, bà đưa ra những phương án giúp người nông dân, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật canh tác phát thải thấp để biến lợi ích môi trường thành tín chỉ carbon có thể giao dịch trên thị trường.

Thị trường tín chỉ carbon mở ra cơ hội mới cho người nông dân. Việc ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến không chỉ mang đến sản phẩm lúa chất lượng cao mà còn đem lại một số lượng tín chỉ carbon rất đáng kể khi nhu cầu của thế giới về loại tín chỉ này đang tăng cao.

Theo đó, bà cũng đề xuất các phương án hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp như: Khuyến khích thực hiện theo cơ chế tự nguyện, đây là cơ hội cho xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao, cần xây dựng các Dự án tín chỉ carbon đăng ký với Verified Carbon Standard/ Gold Standard; tiếp đó, cần thiết lập thị trường carbon trong nước thông qua hệ thống giao dịch carbon (ETS) hoặc thuế carbon, đồng thời, phát triển hệ thống cấp tín chỉ quốc gia (quy tắc, yêu cầu, phương pháp,…). Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ hoạt động cấp tín chỉ carbon và thị trường giao dịch carbon; quy hoạch diện tích trồng phù hợp để áp dụng hệ thống cấp tín chỉ quốc tế (VCS/GS) và hệ thống cấp tín chỉ quốc gia.

anh-chup-man-hinh-2024-09-17-luc-12.47.41.png
Phiên tọa đàm trong Hội thảo

Trong Phiên tọa đàm, các chuyên gia, khách mời và diễn giả đã cùng thảo luận về những thông tin cập nhật, hướng dẫn và khuyến nghị về thúc đẩy nông nghiệp xanh thông qua cơ chế thị trường, bao gồm các nội dung liên quan đến: Các động cơ tài chính của nông dân hướng tới sản xuất xanh trong ngành lúa gạo - Lượng hoá chi phí và lợi ích của nông dân trong việc thực hiện các kỹ thuật canh tác phát thải thấp; Hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp về quá trình biến lợi ích môi trường từ việc áp dụng các kỹ thuật canh tác phát thải thấp thành tín chỉ carbon giao dịch được và những khuyến nghị để giúp nông dân áp dụng biện pháp giảm thiểu BĐKH thông qua thị trường tín dụng carbon, giúp hỗ trợ giải quyết những thách thức để chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững toàn diện tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO