Môi trường

Thúc đẩy bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam

Minh Hạnh 20/11/2024 - 14:05

Ngày 20/11, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức "Hội nghị bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024".

Đây là hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDC)” do Cơ quan Hợp tác Phát triển Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua IUCN, bắt đầu triển khai từ năm 2024-2025.

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản từ Trung ương đến địa phương, trao đổi với các bên liên quan về giải pháp triển khai hiệu quả các mục tiêu đã đặt ra tại Đề án nêu trên, đồng thời xác định ưu tiên cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường ngành thủy sản trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết: Ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế biển của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh.

Song trong quá trình phát triển, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức, trong đó có vấn đề môi trường và suy thoái hệ sinh thái ven biển. Đây được đánh giá là ngành chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường.

img_6433.jpg
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, phát biểu khai mạc hội nghị

Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản như Nghị Quyết 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; Quyết định số 339/QĐTTg ngày 11/3/2021 của Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề môi trường ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 về Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Đề án 911) với mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Tiếp lời ông Trần Đình Luân, ông Andrew Wyatt – trưởng Dự án MDC – đánh giá: Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học và nghề cá của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, và tác động của biến đổi khí hậu. Dự án MDC giải quyết những vấn đề này thông qua các giải pháp thực tế nhằm bảo vệ môi trường và hỗ trợ nghề cá bền vững.

img_6443-2.jpg
Ông Andrew Wyatt – trưởng Dự án MDC, phát biểu tại hội nghị

Trong khuôn khổ dự án, các bên tham gia đang triển khai 5 hoạt động chính. Đầu tiên là đánh giá tác động của chất thải đến hệ sinh thái thủy sinh. Cụ thể, dự án đánh giá tác động của chất thải từ đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và chế biến hải sản đối với các hệ sinh thái thủy sinh tại các tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng. Các chất ô nhiễm như nhựa, hóa chất và chất thải hữu cơ chưa qua xử lý gây hại cho các loài thuỷ sản.

"Dựa trên các đánh giá này, chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp giảm thiểu chất thải, cải thiện xử lý rác thải, và áp dụng các phương pháp sạch hơn. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và cải thiện tính bền vững lâu dài của nghề cá", ông Andrew Wyatt cho hay.

Tiếp đó, dự án thúc đẩy các mô hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến, bao gồm công nghệ Hệ thống Nuôi trồng Thủy sản Tuần hoàn (RAS) tại Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Mô hình sáng tạo này giúp giảm thiểu tác động môi trường bằng cách tái sử dụng nước và giảm thiểu chất thải, từ đó làm cho nuôi trồng thủy sản trở nên bền vững và hiệu quả hơn. Đây là một phần của sự hợp tác mở rộng với các sáng kiến khác, như chương trình hỗ trợ 1 triệu USD để phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án này nhằm chuyển đổi nuôi trồng thủy sản thành một ngành thân thiện với môi trường và khả thi về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng địa phương.

Thứ ba, dự án đang xây dựng một kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học cho ngành thuỷ sản. Kế hoạch này phù hợp với Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh -Montreal và nhằm tích hợp các mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học vào quản lý nghề cá. Bằng cách cân bằng giữa bảo vệ hệ sinh thái và phát triển nghề cá bền vững, kế hoạch giúp đảm bảo năng suất lâu dài của nghề cá đồng thời bảo tồn các sinh cảnh quan trọng. Nỗ lực này hỗ trợ các mục tiêu rộng lớn hơn của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030.

Thứ tư, dự án tập trung phát triển một kế hoạch truyền thông và giáo dục hướng đến các cộng đồng ven biển và các nhà quản lý nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái, tập trung vào các vấn đề như rác thải nhựa đại dương trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Cuối cùng, Dự án MDC hỗ trợ các mô hình sáng tạo tại cảng cá Phú Quốc để thu gom rác thải nhựa đại dương trực tiếp từ các tàu đánh bắt.

img_9149.jpg
Đại diện Cục Thuỷ sản trình bày Đánh giá một số kết quả thực hiện Đề án 911, những khó khăn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và phương hướng thực hiện năm 2025

Tại Hội nghị, các đại biểu đã ghi nhận một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 911 thời gian qua như: Đề án đã được phổ biến rộng rãi trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như cộng đồng; Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra tại Đề án, có sự lồng ghép nội dung với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Các tổ chức nghiên cứu khoa học chủ động đề xuất, tổ chức nghiên cứu các nội dung kỹ thuật trong hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng bền vững; Các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn có sự quan tâm, chủ động đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất xanh, ít phát thải, giảm rác thải; Các tổ chức quốc tế phối hợp với các cơ quan quản lý thường xuyên.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh trong thời gian tới, để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ môi trường ngành thủy sản, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ ưu tiên, tập trung vào 5 nội dung:

Thứ nhất, phát triển và nhân rộng các mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải; mô hình sinh thái thân thiện với môi trường;

Thứ hai, quản lý tốt chất lượng môi trường (nước, chất thải…) trong các hoạt động sản xuất thủy sản, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch thủy sản;

Thứ ba, quan tâm sát sao các hoạt động bảo vệ môi trường tại các cảng cá và trên tàu cá;

Tứ tư, tăng cường nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường ngành thủy sản, bao gồm cả việc giảm thiểu rác thải nhựa đại đương;

Cuối cùng, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là sự tham gia của cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nuôi, khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ,…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO