Môi trường

Thuận tự nhiên để giữ nguồn sinh kế

Khánh Ly 24/10/2023 - 13:13

(TN&MT) - Thay vì canh tác 3 vụ lúa mỗi năm như trước đây, người dân thuộc huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) đang làm quen với mô hình lúa hai vụ và một vụ nuôi cá mùa lũ/lúa nổi kết hợp nuôi cá.

Việc chuyển đổi này không chỉ giúp nông dân có sinh kế bền vững hơn, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do các hóa chất sử dụng trong canh tác lúa, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái bản địa, tăng khả năng phục hồi phục hồi độ phì của đất đai sau mỗi mùa canh tác. Nói đơn giản theo cán bộ nông nghiệp xuống hướng dẫn gọi là sản xuất “thuận thiên”, thuận với tự nhiên.

Nuôi cá trong đồng lúa

Trong khuôn khổ Dự án Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (dự án CRxN Mekong), trong năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Long An cùng phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) bắt đầu hỗ trợ nông dân xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng triển khai mô hình trồng lúa nổi kết hợp nuôi cá trên diện tích 100 ha. Ngoài cá giống do ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ, nước lũ tràn vào ruộng giúp bổ sung nguồn cá tự nhiên và tăng bồi lắng phù sa. Cá cũng có nguồn thức ăn dồi dào từ nước lũ và sinh vật nhỏ còn lại từ ruộng lúa. Đối với mô hình lúa nổi - cá, phù sa trong mùa lũ có hàm lượng dinh dưỡng cao có thể thay thế phân bón giúp lúa sinh trưởng tốt hơn và cá phát triển nhanh hơn.

03.jpg
Cánh đồng lúa nổi ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: WWF-Việt Nam/Chăm Team

Sau 6 tháng triển khai, năng suất bình quân lúa nổi năm 2022 đạt 1,2 tấn/ha. Với chi phí đầu vào thấp (hơn 5 triệu đồng/ha), quy trình canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón nên các hộ dân thu lợi nhuận trung bình khoảng 13,5 triệu đồng/ha. Kết hợp thu hoạch thêm cá nuôi tự nhiên từ nguồn nước lũ, sau 4 tháng, nông dân thu về thêm hơn 3 triệu đồng/ha. Người dân rất phấn khởi vì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với làm lúa vụ 3 trước kia.

Song song với mô hình lúa nổi-cá, huyện Tân Hưng cũng triển khai mô hình nuôi cá mùa lũ tại xã Thạnh Hưng. Điểm khác ở đây là người dân chỉ nuôi cá trên đồng trống sau thu hoạch lúa vụ 2. Lợi nhuận sau khi trừ các chi phí đạt khoảng hơn 1,5 triệu đồng/ha. Hoạt động hỗ trợ thả cá giống cũng khuyến khích cộng đồng tham gia nuôi cá trong mùa lũ. Nguồn thu từ cá sẽ được chia sẻ đồng đều theo phương thức đồng quản lý và chia sẻ lợi ích đã được thống nhất - điều mà họ chưa được thực hiện trước khi tham gia dự án.

02.jpg
Canh tác lúa nổi góp phần bảo vệ hệ sinh thái bản địa, tăng khả năng phục hồi phục hồi độ phì của đất đai sau mỗi mùa canh tác. Ảnh:WWF-Việt Nam/Chăm Team

Sự kết hợp lý tưởng giữa cá và lúa trong mô hình thí điểm không chỉ mang lại thu nhập cao hơn mà còn bền vững trước các tác động từ biến đổi khí hậu đối với sinh kế của người dân địa phương. Đây được xem là một minh chứng điển hình cho giải pháp bảo vệ sinh kế dựa vào thiên nhiên mà Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các khu vực chịu tác động từ biến đổi khí hậu đang hướng tới.

An toàn môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân

Từ các kết quả triển khai mô hình trong mùa lũ năm 2022, trong 2 vụ lúa đông xuân và hè thu tiếp theo của năm 2023, dự án CRxN Mekong tiếp tục khuyến khích nông dân áp dụng quy trình “1 Phải, 6 Giảm” theo chương trình quốc gia về thúc đẩy thực hành quản lý tốt hơn trong trồng lúa, hỗ trợ máy bay không người lái giúp nông dân giảm công lao động trong quá trình canh tác.

Thông qua việc gắn kết quy trình kỹ thuật này trong can thiệp của dự án vào vụ Đông-Xuân 2023, hầu hết nông dân chia sẻ rằng, họ tiết kiệm từ 10 – 20% lượng lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí nhân công và chi phí bơm nước so với vụ mùa năm ngoái.

01.jpg
Nông dân sử dụng máy kéo để thu hoạch lúa nổi. Ảnh: WWF-Việt Nam/Chăm Team

Niềm phấn khởi của nông dân gắn liền với thành quả công sức lao động và thay đổi tích cực trong cuộc sống. Anh Nguyễn Ngọc Điền, hộ dân tham gia dự án tại xã Vĩnh Đại cho biết, tham gia hợp tác xã và canh tác theo hướng dẫn, tôi có thể sử dụng dịch vụ bay không người lái với giá thấp hơn 15% so với các hộ dân bên ngoài. "Thay vì mất nhiều thời gian gieo hạt, bón phân và phun thuốc, tôi có thể chia sẻ công việc gia đình với vợ và dành nhiều thời gian hơn cho con cái, điều đó làm gia đình tôi hạnh phúc hơn" - anh Điền chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Thị Đính, hộ dân tham gia dự án tại xã Thạnh Hưng: “Các buổi tập huấn đã giúp người dân trong xã không chỉ hiểu hơn về mô hình dựa vào tự nhiên mà còn có những vấn đề về bình đẳng giới. Ông xã tôi sau tập huấn giúp đỡ tôi nhiều hơn trong công việc nhà”. Những sự thay đổi nhỏ nhưng thực sự đã khiến người dân nơi đây cảm nhận rõ hơn lợi ích từ canh tác "thuận thiên".

Quá trình tập huấn, tận tay trồng và chăm bón lúa theo phương pháp mới đã giúp các hộ làm quen với phương pháp sản xuất dựa vào thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm lúa và cá sinh thái, không gây hại cho môi trường, an toàn cho sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

04.jpg
Nông dân xã Vĩnh Đại, tỉnh Long An chuyển gạo lúa mùa nổi đóng bao xuống tàu. Ảnh: WWF-Việt Nam/Chăm Team

Theo ông Huỳnh Quốc Tịnh - Quản lý chương trình Thực phẩm tại WWF-Việt Nam, mô hình lúa nổi – cá và nuôi cá mùa lũ đóng vai trò khuyến khích nông dân điều chỉnh các hoạt động nông nghiệp của họ phù hợp với nhịp lũ của sông Mekong. Mô hình được xây dựng dựa trên các giải pháp thuận thiên (nature based solutions – NbS) và rất có tiềm năng mở rộng, giúp cộng đồng địa phương thích ứng và chống chọi với biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Kết quả bước đầu đã chứng minh, việc dựa vào các yếu tố tự nhiên tại địa phương để sản xuất hoàn toàn có thể đảm bảo sản lượng, chất lượng lương thực và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Canh tác hài hòa với môi trường cũng góp phần phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở vùng thượng lưu ĐBSCL

“Khi người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hệ sinh thái vùng ngập lũ đối với sinh kế, họ sẽ là những người tích cực tham gia bảo vệ nhất” – ông Huỳnh Quốc Tịnh hồ hởi chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận tự nhiên để giữ nguồn sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO