Thừa Thiên Huế: Tìm giải pháp khai thác tiềm năng du lịch biển

27/08/2015 00:00

(TN&MT)- Thừa Thiên Huế là tỉnh có thế mạnh về du lịch biển. Với chiều dài hơn 125km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng như: Cảnh Dương, Tư Hiền, Thuận An, Điền Lộc...; đặc biệt là bãi biển Lăng Cô có vịnh đẹp, một danh thắng mang đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh biển, Thừa Thiên Huế có vùng đầm phá nằm bên cạnh rộng hơn 22.000 hecta – vùng Tam Giang – Cầu Hai phong phú và đa dạng các loài tôm, cá nước lợ.

Đông đảo du khách và người dân tắm biển Thuận An
Đông đảo du khách và người dân tắm biển Thuận An

Khai thác thế mạnh về du lịch biển, nhiều năm qua Thừa Thiên Huế có các đơn vị như : Công ty Cổ phần du lịch Hương Giang, Du lịch Cố Đô, Công ty Cổ phần Thanh Tâm và hệ thống nhà nghỉ của tổ chức công đoàn tổ chức các loại hình dịch vụ ven biển. Mấy năm trở lại đây tỉnh kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài xây dựng khu du lịch Laguna tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có quy mô khá đồ sộ với vốn đầu tư trên 875 triệu USD. Khu du lịch này có 7 khu khách sạn cao cấp với hơn 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1.000 căn nhà, khu trung tâm hội nghị, mua sắm quốc tế, sân Golf cùng nhiều hạng mục khác  để phát triển du lịch, dịch vụ du lịch trên tổng diện tích 280 hecta.

Hằng năm vào mùa du lịch biển, Thừa Thiên Huế đã tổ chức các tour du lịch tham quan đầm phá, tắm biển, ngắm mặt trời mọc từ bãi biển Lăng Cô kết hợp với việc tổ chức các lễ hội “ Thuận An biển gọi”, “ Lăng Cô huyền thoại biển” nhằm quảng bá, thu hút du khách gần xa. Việc tổ chức tốt các tour du lịch biển không chỉ thu hút du khách nghỉ dưỡng tại các khu bãi biển hoang sơ đẹp nhất Việt Nam mà còn khai thác tuyến tham quan các di tích gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc trên vùng biển đảo quê hương.

Biển Thuận An về đêm
Biển Thuận An về đêm

So với tiềm năng hiện có, thế mạnh về du lịch biển ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa khai thác được nhiều, chưa mang tính khả thi mà tỉnh nhà xác định là thế mạnh chủ lực của tỉnh trong đầu tư về du lịch, dịch vụ du lịch.

Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế Lê Ngọc Sanh chia sẻ, du lịch biển Thừa Thiên Huế không thuận lợi so với các tỉnh bạn như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Vũng Tàu… Các bãi biển ở Thừa Thiên Huế nằm cách xa trung tâm thành phố. Chính vì trở ngại về địa lý nên các bãi biển được đánh giá là đẹp nhưng chưa được đầu tư đúng mức, vẫn là những hình ảnh hàng quán thưa thớt do địa phương đầu tư mang tính chất "liệu cơm gắp mắm". Hầu hết các bãi biển chưa định hình được một dịch vụ nào thật sự ấn tượng, hoàn chỉnh mang tính chuyên nghiệp để đón khách. Nếu có một đoàn khách với số lượng lớn thì hầu như các bãi biển chưa đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng. Thuận An biển gọi bao năm chỉ là nơi dừng chân chốc lát, tắm biển rồi phải tạm biệt biển. Ngay cả Lăng Cô, một thiên đường du lịch biển của quốc gia cũng có lắm điều trớ trêu. Chuyện quy hoạch, phân đất cho hàng chục dự án du lịch mà quên luôn đường ra biển tạo kế sinh nhai cho bà con khiến dư luận bất bình, giới truyền thông nhiều lần lên tiếng. Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô Trần Văn Giảng cho rằng, từ ngày Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới, hạ tầng dân sinh, dịch vụ lưu trú trên địa bàn được đầu tư nâng cấp. Song, bất cập hiện nay là ở Lăng Cô thiếu nhiều con đường dân sinh ra biển vì các dự án du lịch áng ngự. Khách lưu trú ở các khách sạn, nhà nghỉ phía Tây Quốc lộ 1A muốn ra Vịnh ngắm mặt trời mọc hay tắm biển thì quá khó khăn và vất vả.

Hằng năm, bình quân có khoảng 2,5 đến 3 triệu lượt khách đến Thừa Thiên Huế; trong đó du khách tham quan, tắm biển chưa tới 30% và khách lưu trú tại các khu du lịch biển chỉ đạt 15%. Nhiều giám đốc kinh doanh du lịch, các khu resort nhận định rằng, muốn khai thác có hiệu quả du lịch biển phải biết nhìn nhận những khó khăn, bất cập, vướng mắc để khắc phục. Đơn cử như khoảng cách di chuyển từ trung tâm đến các bãi biển xa thì cần có những tuyến xe buýt giá rẻ. Du lịch biển ở Thừa Thiên Huế chỉ hoạt động được 5-7 tháng trong năm, vậy những tháng còn lại phải làm gì để phục vụ, níu kéo du khách?

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên Huế, việc khai thác du lịch biển ở địa phương còn hạn chế, số lượng dự án đầu tư du lịch biển khá nhiều nhưng tình hình triển khai còn chậm, chưa tạo được bước đột phá. Có hơn 30 dự án đầu tư về du lịch biển nhưng 2/3 dự án chưa được triển khai hoặc còn nằm đâu trên giấy.

Ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế cho rằng, nằm trong mục tiêu phát triển du lịch biển đến năm 2020 trở thành động lực khinh tế của Việt Nam và phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực. Với mục tiêu đó, Thừa Thiên Huế cần quan tầm đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho du lịch biển. Cần quy hoạch rõ hệ thống bãi biển ở phía Bắc thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, vùng phụ cận trung tâm thành phố Huế như Thuận An, Hải Dương và phía Nam chú ý quy hoạch chi tiết trên cơ sở vùng du lịch trọng điểm “tam giác vàng” Lăng Cô - Bạch Mã -  Cảnh Dương. Có nhiều bãi biển đẹp, cần xây dựng nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch biển đặc trưng cho từng điểm đến, quảng bá rộng rãi mới mong thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là khách có tiền có nhu cầu nghỉ dưỡng ven biển.

Trong một trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, ông Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, muốn du khách đến Thừa Thiên Huế nhiều hơn, ngoài các giải pháp quảng bá, tổ chức các trang Web, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin, kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước, Thừa Thiên Huế cần tổ chức các điểm giới thiệu sản phẩm đặc trưng để phục vụ du khách. Ví dụ du khách đến Chân Mây – Lăng Cô, trước khi đến Huế, khách có nhu cầu chơi Golf, họ sẽ được hướng dẫn sang Laguna, muốn lên núi phải chỉ dẫn họ tham quan Bạch Mã, một Đà Lạt thu nhỏ của Thừa Thiên Huế hay thăm các di tích, đền chùa, Thiền viện nổi tiếng ở vùng Phú Lộc. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng phải bảo đảm các phương tiện vận chuyển nơi mua sắm, ăn uống, biểu diễn nghệ thuật truyền thống hoặc hưởng thụ các dịch vụ khác trong chuyến hành trình của du khách. Lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức để các doanh nghiệp cung cấp tất cả các dịch vụ trên tiêu chí sản phẩm du lịch hướng đến chất lượng và đẳng cấp.

Khai thác thế mạnh du lịch biển, chính quyền chỉ làm bà đỡ, hỗ trợ và kết nối. Việc chủ yếu và quan trọng là sự năng động của các chủ doanh nghiệp. Thừa Thiên Huế  đang còn thiếu và yếu về hoạt động lữ hành, thiếu doanh nghiệp vận tải chuyên nghiệp. Lâu nay Thừa Thiên Huế còn phụ thuộc vào các hãng lữ hành lớn trong nước. Để biến tiềm năng du lịch biển thành hiện thực trong đời sống, Thừa Thiên Huế cần nỗ lực hơn nữa trong đầu tư, hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư có tiềm lực, liên kết với các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị trong khai thác thế mạnh của du lịch biển.

Bài và ảnh: Viết Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tìm giải pháp khai thác tiềm năng du lịch biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO