Xã hội

Tạo nét văn hóa bảo vệ môi trường biển

Đinh Thành Trung 09/05/2024 - 15:02

(TN&MT) - Chỉ khi tất cả chúng ta cùng có ý thức bảo vệ môi trường biển, cùng biến ý thức thành hành động và tạo dựng thành nét văn hóa thì lúc đó chúng ta mới thực hiện được mong muốn giữ mãi màu xanh của biển.

anh-dd.jpg
tinh-nguyen-vien-don-rac-tai-cac-bai-san-ho-thuoc-vinh-vinh-hy-ninh-hai-ninh-thuan.-anh-xuan-nguyen.png

Bài 1: Bắt đầu từ ý thức

Con người khai thác thiên nhiên từ bao đời nay, trong đó có nguồn lợi từ biển. Nhưng cũng chính con người gây ô nhiễm cho biển. Đã nhiều lần tôi suy nghĩ, tại sao chúng ta tuyên truyền nhiều, triển khai nhiều, nhưng biển vẫn ô nhiễm? Phải chăng vì ý thức của chúng ta chưa cao, chưa đồng loạt, hành động của chúng ta chưa triệt để, chưa thường xuyên, chưa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường biển thành nét văn hóa?

Lời giải từ góc nhìn ý thức

Giải bài toán bảo vệ môi trường biển không dễ. Bởi con người là chìa khóa của công tác bảo vệ môi trường, trong khi chính con người là nguyên nhân gây ô nhiễm biển và đại dương. Ô nhiễm môi trường biển ở nước ta hiện nay là mối quan tâm hàng đầu, bởi hệ lụy của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và mục tiêu phát triển.

rac-bua-vay-bai-tam.-anh-cu-hien.png
Rác bủa vây bãi tắm. Ảnh Cù Hiền

Chúng ta đã thực hiện không ít giải pháp và hành động để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển, từ tuyên truyền đến phát động các chiến dịch. Các giải pháp này cũng đã ghi nhận hiệu quả và từng bước nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên lượng chất thải, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước Việt Nam (vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm, khoảng 38.500 tấn/ngày) chưa được quản lý, xử lý triệt để đang là con số đáng báo động đối với môi trường biển.

Yêu cầu đặt ra trước mắt là: cần một tác động mạnh để làm giảm ô nhiễm biển một cách lâu dài chứ không phải chỉ một thời gian ngắn. Đó mới là hướng đi bền vững. Đã có những động thái tích cực hơn để bảo vệ môi trường biển trong những năm gần đây, cả những cam kết và hành động trên thực tế. Cảm nhận của du khách quốc tế khi đến du lịch tại các vùng biển nước ta cũng cho thấy sự sạch sẽ và khang trang hơn.

Chúng tôi đến tham quan vịnh Hạ Long, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tôi chọn cách di chuyển bằng ca nô để khám phá vẻ đẹp của vịnh một cách cận cảnh hơn, trải nghiệm hơn. Trong khi thuyền trưởng dừng lại giới thiệu cho du khách về tên và thông tin về các hòn núi, tôi lại chú ý đến một khía cạnh khác, đó là hầu như không thấy rác thải ở trên mặt nước. Đâu đó vẫn thấy vài chiếc vỏ chai nhựa ở các điểm gần bờ. Thuyền trưởng cho biết, số rác này sẽ có người đến dọn dẹp đi.

Người lái ca nô cũng chia sẻ rằng sở dĩ môi trường nơi đây được bảo vệ tốt không chỉ vì có nhiều người dọn vệ sinh mà chính vì ý thức du khách đã tốt lên nhiều. “Nếu ý thức khách không tốt thì có điều gấp đôi lao công cũng dọn không hết”, một nhân viên nói.

Vào thời điểm này năm ngoái, tình trạng ô nhiễm rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Di sản của chúng ta đã được UNESCO công nhận, nhưng ý thức của con người thì đường như không liên quan đến vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Bằng sự tích cực của những người có trách nhiệm và sự thay đổi ý thức chung của du khách, tình trạng ô nhiễm rác thải ở vịnh Hạ Long dần được giải quyết, môi trường biển tốt lên nhiều.

Vậy có thể thấy, nếu con người, ở đây là những du khách đến tham quan có văn hóa, thay đổi ý thức thì môi trường biển sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Tạo dựng ý thức bằng tuyên truyền và xử phạt

Từ câu chuyện ô nhiễm rác thải ở vịnh Hạ Long đặt ra vấn đề, muốn bảo vệ môi trường biển một cách lâu dài, rất cần một liều thuốc kháng sinh mạnh để giải quyết tình trạng kém ý thức trước mắt.

ra-quan-don-rac-tren-vinh-ha-long-thang-4-2023.png
Ra quân dọn rác trên vịnh Hạ Long, tháng 4-2023

Ở đây liều kháng sinh đó chính là xử phạt và tuyên truyền. Con người, nhân lực và vật lực không đủ sức để dọn rác trên biển nếu có quá nhiều người xả thải, vứt rác xuống biển. Trong trường hợp vịnh Hạ Long, lượng rác thải xuất phát từ nhiều nơi chứ không chỉ là xả xuống tại chỗ. Việc một doanh nghiệp bị phạt nặng vì lén xả thải xuống giữa lòng vịnh Hạ Long chính là để răn đe và cảnh tỉnh với người có ý định gây ô nhiễm môi trường biển.

Có câu “Luật lệ tạo dựng ý thức”. Với một vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường biển, nếu hệ thống xử phạt không được thực hiện thường xuyên một cách nghiêm minh thì ý thức con người không thể tăng lên được. Hậu quả nhãn tiền là các điểm đến của Việt Nam sẽ không thu hút được du khách quốc tế và lợi ích kinh tế từ du lịch sẽ giảm. Sự việc Tạp chí du lịch nổi tiếng Fodor's Travel đưa vịnh Hạ Long vào danh sách những điểm đến nên hạn chế du lịch năm 2024 bởi tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề cũng là tiếng chuông báo động cho chúng ta trong việc phải mạnh tay xử phạt. Bởi những đánh giá từ quốc tế có tác động lớn đến tâm lý du khách trước ý định đến Việt Nam du lịch.

Nhìn ra thế giới, những trường hợp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rất mạnh tay đối với người xả rác thải ra môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Họ khuyến khích người dân sử dụng vật liệu thân thiện hơn với môi trường, nhất là môi trường biển. Ở Hàn Quốc, xu hướng không rác thải (zero waste) đã quen thuộc với đời sống người dân. Họ hướng đến việc sử dụng các hộp đựng và bao bì đóng gói bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong mọi khía cạnh của đời sống. Do đó, lượng rác thải xả ra môi trường có thể dễ dàng xử lý. Với Nhật Bản, ngoài việc đẩy mạnh sử dụng chai nhựa thân thiện với môi trường, họ còn tích cực tái chế rác thải, tạo thành trào lưu trong người dân. Trong khu vực Đông Nam Á, một quốc gia khác là Indonesia cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường biển với cam kết giảm 70% rác thải nhựa xuống biển vào năm 2025.

Trong ngắn hạn, chúng ta cần nâng cao cả công nghệ xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển, đầu tư các thiết bị thu gom rác tiên tiến, hiện đại để tăng hiệu quả thu gom rác. Trước mắt, cần kết hợp tốt giữa biện pháp thủ công và hiện đại để giải quyết nhanh chóng lượng rác thải tồn tại trên các vùng biển của cả nước. Sự vào cuộc của các địa phương ven biển là rất quan trọng, vừa để kêu gọi cả cộng đồng vào cuộc, vừa thực thi các biện pháp xử phạt, tạo dựng ý thức không gây ô nhiễm môi trường biển.

Một biện pháp hiệu quả để giảm bớt tình trạng rác thải “xâm chiếm” môi trường biển là đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thành một thói quen, một nền tảng văn hóa cho người dân và du khách bên cạnh biện pháp xử phạt. Ở đây, cách con người nhìn nhận thế nào với hành vi xả rác của mình luôn quan trọng bên cạnh việc giải quyết hậu quả. Nhìn lại thời gian trước, chúng ta cũng đau đầu về hành vi phá hoại các thắng cảnh thiên nhiên. Khi ấy có tình trạng một số du khách viết, vẽ lên vách đá, thậm chí bẻ thạch nhũ đem về. Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, tạo dựng phong trào bảo vệ thiên nhiên, chúng ta đã cơ bản không còn tình trạng phá hoạt như vậy nữa. Sở dĩ chúng ta nhanh chóng loại bỏ hành vi không đẹp trên vì mạnh tay xử lý, đồng thời hoàn thiện quy định, kết hợp với giáo dục tạo thành các biện pháp đồng bộ, tác động lan tỏa và tích cực đến du khách. Sự tích cực bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam khi ấy cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta quyết tâm bảo vệ môi trường biển.

Với việc môi trường biển chịu nhiều tác động từ ý thức kém của người dân thì không thể thực hiện chỉ một biện pháp mà phải phối hợp đồng bộ các giải pháp và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương. Chúng ta cần tạo dựng quyết tâm trên toàn hệ thống chính trị và người dân với sự đoàn kết đồng lòng để tạo nên một nền tảng văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường biển.

Bài 2: Du lịch xanh bảo vệ môi trường biển

Đinh Thành Trung

Nhà B4, số 261 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nét văn hóa bảo vệ môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO