Xã hội

Hà Nội: Hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035

Cao Sơn 09/05/2024 - 17:49

(TN&MT) - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có tờ trình về Đề án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô. Đề án nhằm tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) và xác định mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới tại Hà Nội vào năm 2035, hướng tới ĐSĐT là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông của TP Hà Nội.

Đề án thống nhất nhận thức về vai trò của ĐSĐT, là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố. Phát triển hệ thống ĐSĐT là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Phát triển ĐSĐT gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.

Đồng thời, thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành mạng lưới ĐSĐT hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong đó, ngân sách Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống ĐSĐT giai đoạn đến năm 2035. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT của Thủ đô Hà Nội.

1.jpeg
ĐSĐT sẽ là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố Hà Nội.

Đề án cũng đặt các mục tiêu phát triển mạng lưới ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng Thành phố, góp phần tái cơ cấu phương thức vận tải theo hướng bền vững, hài hoà, hợp lý. Phấn đấu đến năm 2035 vận tải hành khách công cộng đạt tỷ lệ 50 -55%, sau năm 2035 đạt 65 – 70%.

Theo đề án, đến năm 2025, tổ chức thi công xây dựng Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến ĐSĐT có lộ trình đầu tư trước năm 2030. Hoàn thành xây dựng, trình ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách, đặc thù cho ĐSĐT nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng đồng loạt.

Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8/397,8km (chiếm 24%) các tuyến còn lại đến thời điểm hiện tại của mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô. Đồng thời, triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai thi công xây dựng các tuyến ĐSĐT có lộ trình đầu tư trước năm 2035.

Mục tiêu đến năm 2035, hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô).

Đến năm 2045, hoàn thành các tuyến ĐSĐT dự kiến bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh. Ngoài ra, đề xuất cơ chế, chính sách “vượt trội”, “đột phá” để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT tại thành phố Hà Nội vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, ĐSĐT là một phần quan trọng của hệ thống giao thông ở nhiều thành phố trên thế giới.

Những năm qua, Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của sự phát triển, tốc độ đô thị hóa, hệ thống giao thông thành phố đang phải đối diện với những áp lực rất lớn do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội…

2.jpeg
Xây dựng ĐSĐT là phát triển loại hình giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Hoàng Anh

Như vậy, việc phát triển ĐSĐT tại Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới, mang tính chiến lược vì:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống ĐSĐT để hiện thực hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan đến hệ thống ĐSĐT TP Hà Nội

Thứ hai, ĐSĐT sẽ tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông thành phố, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng.

Thứ ba, phát triển ĐSĐT là phát triển đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị.

Thứ tư, đầu tư hệ thống ĐSĐT sẽ tạo động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lý do thứ năm là, phát triển loại hình giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

ĐSĐT là phương thức vận tải bền vững, thân thiện với môi trường và chiếm dụng ít đất hơn các phương tiện vận tải khác. Hệ thống ĐSĐT là loại hình giao thông không sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ít phải thải ra môi trường so với các phương tiện vận tải khác, góp phần vào mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO