Thừa Thiên Huế: Thiếu đất canh tác, dân ở “Làng thanh niên lập nghiệp” khó khăn

01/12/2018 16:33

(TN&MT) - Mặc dù đã định cư nhiều năm nay, song đời sống của hàng chục hộ dân Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới (xã Hương Phong, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn vô cùng khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu việc làm; nhiều hộ vắng mặt và cắt khẩu...

Các hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp đang thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư…
Các hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp đang thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư…

Cuộc sống thiếu thốn…

Qua tìm hiểu của PV, Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp A Lưới được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế khởi công vào tháng 9/2009, với các công trình hạ tầng cơ sở gồm hệ thống giao thông, điện nước sinh hoạt, nhà mẫu giáo, sân thể thao… cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các hộ. Theo dự án, mỗi hộ lên lập nghiệp được cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn (trong đó 500m2 đất ở), 20 triệu đồng hỗ trợ di dân tái định cư, 2ha đất rừng để sản xuất, 5 triệu đồng tiền cây, con giống…

Đến năm 2013, sau hai đợt tiếp nhận các hộ đến bố trí lập làng, làng được bàn giao cho xã Hương Phong (huyện A Lưới) với tổng số 45 hộ. Mặc dù đã định cư nhiều năm nay, xong đời sống các hộ thanh niên ở làng lập nghiệp duy nhất của Thừa Thiên Huế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, dự án cam kết cấp cho mỗi hộ lên lập nghiệp 2ha đất rừng sản xuất nhưng tính đến nay, chỉ có 26 hộ được cấp diện tích đất sản xuất 2 ha, 4 hộ được cấp 1,6 ha, 2 hộ được cấp 0,9 ha và 13 hộ được cấp 0,7 ha. Như vậy, theo định mức Dự án phê duyệt về giao đất sản xuất cho các hộ dân tại làng (tối thiểu 2 ha/hộ), thì diện tích đất sản xuất giao cho các hộ còn thiếu là 20,7 ha.

Do tình trạng thiếu đất sản xuất, đất đai nghèo kiệt và khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên hiện tại, làng chỉ còn 29 hộ đang định cư ổn định, số hộ vắng mặt, không ở và cắt khẩu là 16 hộ.

Chăn nuôi là giải pháp hữu hiệu để tăng thu nhập…
Chăn nuôi là giải pháp hữu hiệu để tăng thu nhập…

Mới đứng chân ở Làng được ít năm, gia đình anh chị Trần Văn Dương - Nguyễn Thị Hiền (quê ở Phong Mỹ, Phong Điền) cố gắng lắm nên vừa xây ngôi nhà gạch cùng khu vườn trồng chuối, sắn, đậu các loại. Vợ chồng anh chị chăn nuôi thêm đàn gia cầm để kiếm thêm thu nhập.

“Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi cơ bản ổn định. Song sản xuất vẫn còn khó khăn, do đất bạc màu và thiếu vốn đầu tư. Đây là tình cảnh chung, vì hầu hết các gia đình trong làng đều thiếu việc làm, đàn ông chủ yếu đi chặt cây thuê cho các chủ rừng và đi phụ thợ nề, còn phụ nữ đa số ở nhà làm vườn, chăn nuôi và chăm con nhỏ. 2 ha đất rừng tôi tiến hành trồng tràm nhưng cây phát triển rất kém”- chị Hiền nói.

Lý giải thêm về những khó khăn, vướng mắc ở đây, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng, hầu hết các hộ ở đây đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, kể cả các hộ đầu tiên đến lập làng từ năm 2011. Bởi, nếu tính các khoản kinh phí tiền sử dụng đất ở và lệ phí trước bạ, mỗi hộ phải đóng 30- 40 triệu đồng. Đây là điều “quá tải” đối với các hộ thanh niên, khi mà họ vừa mới lên lập nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới - Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đây là dự án không phải của Chính phủ, nên các hộ nằm trong dự án này không thuộc đối tượng được miễn giảm tiền sử dụng đất, hơn nữa xã Hương Phong đã đạt chuẩn nông thôn mới, không phải vùng đặc biệt khó khăn. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị để thực hiện đảm bảo quyền lợi cho các hộ, bởi đây là dự án ở vùng biên giới, nhưng vấn đề này vẫn còn nan giải.

Người dân tại Làng nêu những khó khăn khi được làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Người dân tại Làng nêu những khó khăn khi được làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

“Khi lên lập nghiệp, tuy mỗi hộ được Ban quản lý dự án phối hợp với địa phương hỗ trợ tín chấp cho vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng số vốn đó không thấm vào đâu đối với các gia đình lên lập nghiệp ở vùng khó khăn, khu vực biên giới. Thiếu vốn, hầu hết các hộ ở đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ”- ông Hùng nói.

Từng bước khắc phục

Cuối tháng 11 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với cử tri nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại lâu nay tại Dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới.

 “Từ những khó khăn thực tế nêu trên, chúng ta đã nhìn nhận được bức tranh tổng thể của Làng thanh niên lập nghiệp. Do thiếu kinh nghiệm, nhiều vấn đề khó khăn về vị trí, địa điểm, nên quá trình triển khai và kế thúc dự án có nhiều tồn tại phức tạp. Tôi chia sẻ với những khó khăn của bà con, anh chị em đang sinh sống ở Làng thanh niên lập nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cũng như chính quyền địa phương cũng trăn trở và tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho bà con, mong bà con sớm ổn định cuộc sống”- ông Thọ chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên Huế khẳng định, đối với số diện tích đất rừng chưa cấp đủ cho các hộ, sau khi hoàn tất các thủ tục thu hồi 35ha từ Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, sở sẽ phối hợp với huyện A Lưới tiến hành cấp tiếp diện tích sản xuất phù hợp cho các gia đình. Riêng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, sẽ thay đổi hạn mức đất ở xuống 100m2, số còn lại là đất vườn để giảm chi phí tiền sử dụng đất xuống thấp và tạo điều kiện ghi nợ tiền sử dụng đất, giúp bà con trả dần nhằm giảm bớt khó khăn.

Ông Phan Ngọc Thọ (giữa) chia sẻ với người dân Làng thanh niên lập nghiệp và hứa sẽ cố gắng tìm giải pháp sớm giúp dân ổn định cuộc sống
Ông Phan Ngọc Thọ (giữa) chia sẻ với người dân Làng thanh niên lập nghiệp và hứa sẽ cố gắng tìm giải pháp sớm giúp dân ổn định cuộc sống

Trong khi đó Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao các kỹ thuật cho bà con sau khi huyện đã có đề án xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp cho các hộ dân nơi đây, để tạo thêm việc làm giúp các hộ tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Thọ, mô hình làng thành niên lập nghiệp là mục tiêu quy tụ những thanh niên có ý chí lập thân, lập nghiệp, không phải khu vực tái định cư bình thường. Đề nghị anh chị em đang sinh sống ở đây cùng thống nhất quan điểm này. Phải có ý chi vươn lên, tự lập cánh sinh, để khi đến định cư mình biết phải làm gì để lập nghiệp, lập thân nơi làng mới.

Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị huyện A Lưới rà soát lại các chính sách, điều kiện hạ tầng, an sinh, thu nhập của bà con hằng ngày… ưu tiên cho số hộ đã ổn định lập nghiệp nhưng điều kiện sản xuất đang khó khăn. Phải tìm giải pháp để 29 hộ hiện tại có đủ 2ha đất rừng cho mỗi hộ; giảm hạn mức đất ở để thuận lợi hơn trong việc cấp quyền sử dụng đất. Đặc biệt, số diện tích cấp này chỉ phục vụ đời sống cho bà con, không được chuyển nhượng, mua bán. UBND huyện lập đề án phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, khả thi cho bà con, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để mô hình đảm bảo cụ thể, hiệu quả đối với từng hộ dân. Tuy nhiên, cần thống nhất bao nhiêu hộ trong làng thanh niên lập nghiệp, số hộ từ chối không được tái bố trí sau khi đã bổ sung chính sách. Bởi đó không phải là đối tượng của làng thanh niên lập nghiệp.

“Mong rằng địa phương và các ngành chức năng quan tâm đảm bảo việc học hành của con em ở làng thanh niên lập nghiệp, kết hợp các nguồn từ chương trình nông thôn mới để hỗ trợ bà con xây dựng cuộc sống mới sung túc hơn, đảm bảo đúng mục đích phát huy vai trò của thanh niên xung kích lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng biên giới”- ông Thọ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Thiếu đất canh tác, dân ở “Làng thanh niên lập nghiệp” khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO