Thừa Thiên Huế: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn

Văn Dinh| 19/12/2019 08:46

(TN&MT) - Nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng đầu nguồn tại Thừa Thiên Huế luôn được cơ quan chức năng chú trọng, bởi đây được xem là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái cho các địa phương của tỉnh.

Khi “lá phổi xanh” được bảo vệ

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp hiện trên 248,789 ngàn ha; trong đó rừng tự nhiên trên 212,180 ngàn ha, rừng trồng gần 99 ngàn ha... Độ che phủ rừng toàn tỉnh khoảng 57,5%. Trong đó, có nhiều rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) quan trọng như A Lưới, Sông Bồ, Hương Thủy, Tả Trạch...

RPHĐN có vai trò điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, ngăn sự bồi lấp lòng sông, lòng hồ. Những năm qua, công tác bảo vệ RĐN tại Thừa Thiên Huế luôn được cơ quan chức năng chú trọng.

Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Thừa Thiên Huế đa dạng và quan trọng

RĐN sông Bồ đi qua địa bàn thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền, nơi đây đồi núi hiểm trở, diện tích rộng lớn. Dọc theo sông Bồ là những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, được canh giữ cẩn mật, lực lượng kiểm lâm luôn ứng trực, sẵn sàng xử lý khi có dấu hiệu bất thường.

Ông Trần Đại Phương - Giám đốc Ban quản lý RPH Sông Bồ cho hay, đơn vị được giao quản lý với diện tích trên là 12.265 ha, chia thành 23 tiểu khu. Thời gian qua Ban đã phối hợp với kiểm lâm và chính quyền địa phương tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền, ký cam kết với hàng trăm lượt người dân trên địa bàn về các biện pháp bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Các lực lượng đã ra quân đóng hàng trăm biển báo bảo vệ ở các tuyến đường vào rừng và khu vực xung yếu; tu sửa 68,264 km đường ranh cản lửa, sửa chữa chòi canh lửa, tổ chức trực 24/24 giờ trong mùa nắng nóng. Từ ngân sách nhà nước, Ban đã đầu tư mua sắm mới 10 máy bộ đàm, 2 máy bơm nước bằng khí nén, 1 chiếc thuyền máy cole. Những năm gần đây, RPH sông Bồ không xảy ra cháy gây hậu quả lớn.

“Những kết quả đạt được trong thời gian qua là nhờ thực hiện tốt phương án quản lý bảo vệ rừng đã đề ra, sự vào cuộc tích cực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn đơn vị. Ngoài ra phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hạt kiểm lâm của thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền...”, ông Phương nói.

Đài quan sát phòng chống cháy rừng tại RPH Phong Điền

Giám đốc Ban Quản lý RPH A Lưới - Văn Thân cho biết, diện tích được giao cho đơn vị quản lý là trên 23.508 ha, trải đều trên địa bàn 8 xã của huyện A Lưới, những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, nguyên sinh ở A Lưới cơ bản được bảo vệ an toàn và sinh trưởng tốt. Diện tích rừng trồng trên địa bàn ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân, phần nào hạn chế phụ thuộc vào khai thác rừng tự nhiên.

Theo ông Thân, nhiều năm qua, Ban có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như họp cụm dân cư, thôn bản, ký cam kết bảo vệ rừng đối với các hộ dân, xây dựng biển cảnh báo. Từ đó nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của người dân chuyển biến tích cực. Trong 3 năm qua, có khoảng 3.000 lượt người dân, các ban ngành tham gia các đợt truy quét, tuần tra rừng.

“Ba năm qua, tại khu vực RPH A Lưới phát hiện và xử lý khoảng 45 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra 10 vụ, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm trước”, ông Thân thông tin.

Tiếp tục nỗ lực bảo vệ rừng đầu nguồn

Theo cơ quan chức năng, phần lớn các ban quản lý RPH có lực lượng mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ viên chức thấp, độ tuổi trung bình khá cao... chưa đáp ứng yêu cầu QLBVR trước tình hình mới. Chế độ, chính sách cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng chưa thỏa đáng, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả QLBVR.

Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát RPHĐN tại A Lưới

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thông tin, khoảng 3 năm nay, kể từ khi Ban quản lý RPH các huyện, thị xã... thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, được trang bị công cụ hỗ trợ hiện đại, công tác QLBVR hiệu quả hơn.

Các điểm phá rừng lớn, vận chuyển gỗ rừng được tổ chức tuần tra thường xuyên như các rừng phòng hộ A Lưới, Nam Đông, Bắc Hải Vân... và các tuyến đường sông Hữu Trạch, Tả Trạch, sông Bồ, đường 71, 74. Các lực lượng đã tổ chức 1.000 đợt truy quét tại rừng, lập biên bản xử lý 648 vụ vi phạm, tịch thu 585m3 gỗ, phá hủy nhiều lán trại và bẫy động vật hoang dã.

Đến nay, các lực lượng BVR có khoảng 230 người sử dụng khá thành thạo công nghệ viễn thám, máy tính bảng trong QLBVR. Ứng dụng công nghệ viễn thám và máy tính bảng thật sự phát huy hiệu quả cao đối với hoạt động theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Các vụ phá rừng, nghi ngờ bị tác động được cán bộ kỹ thuật các hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn phát hiện và xử lý tốt.

“Hiện, nhu cầu thiết yếu về gỗ gia dụng, thuốc chữa bệnh của con người ngày một gia tăng. Điều đó khiến áp lực dựa vào rừng rất lớn, dẫn đến tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên, săn bắt động vật hoang dã diễn ra bất cứ lúc nào. Đó là thách thức lớn, đòi hỏi các lực lượng QLBVR ngày càng chuyên nghiệp hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn với các trang thiết bị, dụng cụ BVR hiện đại và cần sự vào cuộc tích cực từ phía người dân”, ông Tuấn cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO